Powered By Blogger

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

CHỦ VỀ (11.8.2013 – Chúa nhật 19 Mùa Thường niên, Năm C)



CHỦ VỀ
Lời Chúa: Lc 12, 32-48
Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó. Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”
Bấy giờ ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. Ðầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”
Suy nim:
Ðức Giêsu tự ví mình như một ông chủ.
Ông chủ vắng nhà vì đi ăn cưới tới khuya.
Chắc chắn ông sẽ về, nhưng chẳng rõ vào giỡ nào.
Vì thế người đầy tớ giữ cửa phải chờ đợi.
Phúc cho đầy tớ nào còn tỉnh thức khi chủ về.
Chẳng những hạnh phúc cho anh ta, mà cho cả ông chủ.
Ông vui sướng khi thấy đầy tớ còn chờ mình,
nhạy cảm với tiếng gõ cửa đầu tiên,
mau mắn ra mở cửa, trong tay cầm đèn sáng.
Sau đó ông chủ đã làm một hành vi quá đỗi bất ngờ.
Từ địa vị ông chủ, ông đã hạ mình làm người tôi tớ.
Ông thắt lưng, mời các đầy tớ vào bàn ăn và phục vụ.
Ông chủ không cố ý về vào lúc đầy tớ đang ngủ.
Ðức Giêsu cũng không đến bất ngờ để bắt quả tang ai.
Ngài mời gọi con người kiên trì chờ đợi.
Chờ đợi là một thách đố của tình yêu.
Người biết chờ cũng là người biết yêu.
Thật ra, Chúa không đến bất ngờ.
Chúa chỉ đến bất ngờ với ai không sẵn sàng tỉnh thức.
Chúa chỉ bất ngờ khi chúng ta nghĩ rằng
Ngài không thể đến vào lúc này, trong hoàn cảnh này.
Nếu chúng ta tin Chúa vẫn đến trong mọi tình huống
thì ta sẽ gặp được những bất ngờ thú vị.
Dù Ðức Giêsu ví mình đến bất ngờ như kẻ trộm,
nhưng Ngài không phải là Ðấng thích gieo tai ương.
Trái lại, Ngài thích đem đến những niềm vui bất ngờ.
Bất ngờ hơn cả là ta thấy Chúa phục vụ mình,
sống như người hầu bàn, cúi xuống rửa chân cho môn đệ.
Chúa là ông chủ thích phục vụ hơn là được cung phụng.
Thiên Ðàng là nơi Thiên Chúa tiếp tục phục vụ nhân gian,
Ngài thết tiệc cho nhiều người từ đông sang tây tham dự.
Ðức Giêsu tự ví mình như một ông chủ vắng nhà.
Ông chủ này không độc đoán, nắm hết mọi quyền hành.
Ông tin vào con người và giao trách nhiệm cho họ.
Người quản gia được cử làm đại diện cho ông
để cắt đặt công việc và phân phát lương thực cho đầy tớ.
Mọi quyền bính trong Hội Thánh bắt nguồn từ Ðức Kitô.
Quyền bính là phương tiện để phục vụ Dân Chúa,
nhưng nó có thể bị lạm dụng để phục vụ cho bản thân.
Ðánh đập tôi trai tớ gái, chè chén say sưa
vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về:
đó vẫn là những nguy cơ rình rập các vị lãnh đạo.
“Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho mọi người?”
Một tông đồ như Phêrô cũng có thể bị phạt.
Tông đồ là người đã biết ý chủ
nên sẽ bị đòn nhiều hơn nếu không làm theo ý đó.
Vừa hiền lành bao dung, vừa đòi hỏi nghiêm túc.
Vừa đòi đầy tớ phải phục vụ, vừa phục vụ như đầy tớ.
Có bao nét tương phản nơi khuôn mặt ông chủ Giêsu!
Chúng ta có phải là đầy tớ trung tín và khôn ngoan không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét