Tin Mừng Ga 6,37-40
Suy Niệm:
Những
người đã qua đời như đi vào cõi huyền nhiệm, để lại bao nhung nhớ và
cảm tình ngổn ngang trong lòng chúng ta. Cảm tình đó tìm được cơ hội
bùng phát nhờ những câu kinh lời nguyện kèm theo những lễ nghi trong
tháng các linh hồn.
Niềm
tin cho phép chúng ta đi sâu vào cõi huyền nhiệm đó. Từ xa xưa, các tín
hữu đã tìm được nguồn an ủi lớn lao khi biết người thân đang cần lời
cầu nguyện và hi sinh để được giải thoát. Chết không phải là hết ! Sau
cõi đời này cũng không phải chỉ có Thiên đàng và Hỏa ngục ! Ði vào cõi
chết không phải là chấm dứt mọi liên hệ với trần gian. Niềm tin này thật
lớn lao vì giúp ta tránh được những cái nhìn bi quan và cực đoan về số
phận những người ra đi trước chúng ta.
Từ
thế kỷ 11 đã có thánh lễ cầu hồn. Trước đó giáo dân đã có thói quen
tưởng nhớ những người quá cố. Thế kỷ 3, các văn sĩ Kitô giáo như
Tertuliano đã nói đến một nơi lưng chừng dành cho các tín hữu nghỉ ngơi
chờ ngày chung thẩm. Ðồng thời cũng có nhiều người nghĩ các Kitô hữu đã
khuất cũng cần thanh tẩy trước khi chiêm ngưỡng Thiên Nhan. Nhưng Giáo
Hội Ðông Phương thường nhấn mạnh đến đặc tính của những linh hồn sống
trong tình trạng "lưng chừng": họ khao khát sớm được chiêm ngưỡng Thiên
Nhan. Trong khi đó, Giáo hội Công giáo thường chú trọng tới hình phạt
trong nơi luyện ngục.
Tuy
nhiên cả Ðông Phương và Roma đều tin tưởng lời cầu nguyện và việc lành
của người sống giúp cho người quá cố thoát khổ hình luyện ngục. Niềm tin
đó bắt nguồn từ mầu nhiệm hiệp thông. Nếu không có ngày lễ cầu hồn, tín
điều các thánh thông công không được diễn tả trọn vẹn. Tín điều các
thánh cùng thông công cho thấy các tín hữu còn sống có thể đóng góp vào
việc giải thoát các linh hồn khỏi luyện ngục. Thật vậy, trong Ðức Kitô,
tất cả các chi thể đều liên đới với nhau. Phụng vụ khiến Kitô hữu có thể
đối diện với cái chết với niềm tin và hi vọng vì sự sống mới trong Ðức
Kitô như Thiên Chúa đã hứa. Thật vậy, Ðức Kitô là niềm hi vọng của người
sống và kẻ chết.
Niềm
hi vọng ấy chỉ dành cho những ai yêu mến Thiên Chúa. Sống hay chết họ
đều hiệp thông với Ðức Kitô và với nhau. Quả thực, "chúng ta sẽ không
phải thất vọng, vì Thiên chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng
ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta." (Rm 5:5) Chính Thánh Thần
phục sinh thân xác Ðức Kitô. Từ nay sự sống sẽ trỗi dậy trong toàn
nhiệm thể, vì "Ðức Kitô đã chết vì chúng ta … Ðó là bằng chứng Thiên
Chúa yêu thương chúng ta." (Rm 5:8) Các linh hồn trong luyện ngục cũng
là những chi thể Ðức Kitô. Họ cũng sẽ hưởng trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa
từ cái chết và phục sinh của Người.
An
ủi biết chừng nào khi biết "Ðấng bênh vực tôi vẫn sống" (G 19:25) để
giải thoát các linh hồn đang bị giam cầm trong luyện ngục. Người sống để
nối kết các chi thể với nhau, để "hòa giải chúng ta với Thiên Chúa."
(Rm 5:11) Cuộc hòa giải đó chỉ trọn vẹn khi tất cả "sống lại trong ngày
sau hết." (Ga 6:40) Các linh hồn trong luyện ngục nôn nóng chờ đợi "ngày
sau hết" đó trong niềm tin tưởng thánh ý Chúa Cha sẽ được thực hiện vì
"tất cả những ai thấy người Con và tin tưởng vào người Con, thì được
sống muôn đời." (Ga 6:40)
Sự
sống đó khởi nguồn từ cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu Kitô. Bởi
đó, Kitô hữu không bao giờ dứt niềm hi vọng, dù phải đối đầu với tử
thần, vì họ tin chắc sẽ được chia sẻ sự sống với Ðức Kitô. Có như thế,
chúng ta mới thấy tất cả quyền năng củaThiên Chúa tình yêu đầy sáng tạo
và hằng quan tâm đến Dân Người. Cái chết không phải là sức mạnh tử thần.
Trái lại, trong cái chết của con người, tử thần phải đương đầu với
Thiên Chúa hằng sống. Nếu tin, con người sẽ chứng kiến tất cả sự bất lực
của tử thần. Thay vì thất vọng khi đi đến cuối đời, họ sẽ thấy bàn tay
dịu dàng Thiên Chúa đưa họ vào một cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu,
cuộc sống hoàn toàn cho Thiên Chúa. Một cuộc chuyển hóa nhẹ nhàng đem
mọi người vào cõi chan hòa ánh sáng, niềm vui, bình an và vinh quang
Thiên Chúa. Còn gì an ủi hơn khi từ giã trần gian đầy biến động để bước
vào cõi vĩnh hằng ?
Bởi
vậy, "cầu nguyện cho các linh hồn là một cơ hội suy tư về tương lai
chúng ta và tưởng nhớ những người đã ra đi cõi thinh lặng ngàn thu. Ðây
cũng là dịp tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại như một thực tại nơi Ðức
Giêsu và như một lời hứa cho chính vinh quang tương lai chúng ta nữa."
(The New Dictionary of Sacramental Worship 1990:42) Không có sự sống
lại, cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa và những nỗ lực hôm nay trở thành số
không. Do đó, càng cầu nguyện cho các linh hồn, càng thấm thía ý nghĩa
cuộc đời và càng phải nỗ lực xây dựng cho cuộc phục sinh ngày mai ngay
từ hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét