Powered By Blogger

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Trở lại và nên như trẻ thơ (1.10.2013 – Thứ ba - Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh)

Trở lại và nên như trẻ thơ
Lời Chúa: Mt 18, 1-5
Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy.”
Suy nim:
“Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại và trở nên như trẻ thơ,
anh em sẽ chẳng bao giờ được vào Nước Trời” (c. 3).
Đây là một câu nói long trọng của Đức Giêsu.
Như thế điều kiện để được vào Nước Trời là phải quay trở lại,
và trở nên như trẻ thơ, sống theo tinh thần của trẻ thơ.
Trở nên như trẻ thơ không phải là trở nên ấu trĩ, ngây ngô, khờ khạo,
nhưng là khiêm hạ, tin cậy, phó thác cho Thiên Chúa.
Vì thế thiên đàng có chỗ cho người lớn, người trưởng thành,
những người đã sống tinh thần của trẻ thơ.
Để trở lại và trở thành như trẻ thơ, cần nhiều hy sinh từ bỏ.
Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của các môn đệ:
“Ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” (c. 1).
Người lớn nhất chính là người đã hạ mình xuống
như em nhỏ đang đứng ở giữa các ông (c. 2).
Đoạn Tin Mừng này đã gợi cho Chị Têrêsa bí quyết nên thánh,
mà Chị gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng.
Chỉ cần sống như trẻ thơ là có hy vọng được nhận vào Nước Trời.
Têrêsa đã kiên trì đi con đường này suốt cuộc đời ngắn ngủi của Chị.
Và Chị đã nên thánh, đã thu hút bao người đi con đường này.
Con đường này thật ra cũng chẳng phải là đường của Chị
cho bằng là con đường của bài Tin Mừng hôm nay.
Chị Têrêsa đã muốn sống cái đơn sơ, nhỏ bé của trẻ thơ.
“Tôi muốn tìm thấy một cái thang để lên tới Đức Giêsu,
Vì tôi quá nhỏ bé không lên nổi các bậc trọn lành.
Lạy Chúa Giêsu, thang chính là cánh tay Ngài.
Con không cần phải lớn lên, ngược lại con phải nhỏ mãi.”
Têrêsa không nên thánh bằng những việc hãm mình kinh khủng,
nhưng bằng những hy sinh nho nhỏ, những từ bỏ ý riêng.
“Ai không có gan đóng đanh mình bằng những chiếc đanh lớn…
thì phải chịu tử đạo bằng những chiếc ghim nhỏ.”
Chị tin vào sức mạnh của những việc nhỏ bé được làm vì yêu.
“Nhặt một cái kim ở dưới đất vì yêu mến,
cũng có thể cải hóa một linh hồn.”
Mối quan tâm duy nhất của Chị là làm vui lòng Chúa trong mọi sự.
“Tôi vui sướng chịu đựng gian khổ,
ngay cả chỉ để làm Chúa mỉm cười lấy một lần.”
Têrêsa phó thác cho Chúa trong giây phút hiện tại.
“Nghĩ tới dĩ vãng và bận tâm về tương lai dễ làm nản chí và thất vọng.
Tôi chịu đựng từng giây phút một.
Chúa trao cho tôi từng lúc điều tôi có thể chịu đựng, và chỉ thế thôi.”
Têrêsa nói với chúng ta về cách cầu nguyện của Chị.
“Tôi làm như mấy đứa bé chưa biết đọc.
Tôi nói với Chúa cách đơn sơ điều tôi muốn nói với Người,
và Người luôn nghe tôi.”
Tuy sống tinh thần trẻ thơ, nhưng Têrêsa lại mang nhiều ước mơ lớn.
Chị mong được đi truyền giáo khắp nơi, được vào Dòng Kín ở Hà Nội.
“Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ học cho giỏi tiếng Híp-ri và tiếng Hy-lạp,
để hiểu tư tưởng của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người.”
Chắc chắn Têrêsa chẳng bao giờ là linh mục, và cũng chẳng đi Hà Nội.
Nhưng lòng ao ước khiến Chị đã thực hiện những điều lớn lao.
Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã tôn Chị làm Tiến sĩ Giáo Hội,
dù Chị chưa học xong trung học, và qua đời khi mới hai mươi bốn tuổi.
Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một vị thánh được yêu thích,
đơn giản chỉ vì Chị đã trở lại và trở thành như trẻ thơ.

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Người nhỏ nhất (30.9.2013 – Thứ hai Tuần 26 Mùa Thường niên)

Người nhỏ nhất
Lời Chúa: Lc 9, 46-50
Khi ấy, các môn đệ suy nghĩ tự hỏi xem ai là người lớn nhất trong các ông. Ðức Giêsu biết điều các ông đang suy nghĩ trong lòng, Người liền đem một trẻ nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón một em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy. Thật vậy ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” Ông Gioan lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không đi theo Thầy cùng với chúng con.” Ðức Giêsu bảo ông: “Ðừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta!”
Suy nim:
Phá kỷ lục là ước mơ của các vận động viên.
Làm sao phá kỷ lục của quốc gia, của vùng, của châu lục và thế giới?
Để phá kỷ lục cần có thành tích vượt hơn người đang giữ nó.
Chỉ cần chạy nhanh hơn một phần ngàn giây,
nhảy cao hơn hay xa hơn một centimét,
cũng đủ để làm một kỷ lục đứng vững nhiều năm bị phá đổ.
Nhưng không phải chỉ các vận động viên mới thích phá kỷ lục.
Các nước cũng tranh nhau xem ai là cường quốc về một lãnh vực nào đó.
Có vẻ cả nhân loại đều ở trong một cuộc đua tranh xem ai đứng đầu.
Có những cuộc đua tranh lành mạnh, thúc đẩy tiến bộ.
Nhưng cũng có những cuộc đua tranh dẫn đến chiến tranh và hủy diệt.
Các môn đệ vẫn loay hoay với một câu hỏi trong đầu:
“Trong các ông, ai là người lớn nhất ?” (c. 46).
Thầy Giêsu muốn dạy cho họ một bài học rất gợi hình,
nên đem một em nhỏ đến và trân trọng đặt em đứng bên cạnh (c. 47)
Thầy đồng hóa mình với em nhỏ yếu đuối và không có địa vị ấy:
ai tiếp đón em này là tiếp đón chính Thầy.
Thầy cũng cho biết, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Thiên Chúa (c. 48).
Như thế một em nhỏ bình thường là con đường dẫn ta gặp gỡ Đức Giêsu,
và gặp gỡ chính Thiên Chúa siêu việt.
Để tiếp đón Thiên Chúa và Đức Kitô trong đời,
ta phải sẵn sàng tiếp đón những người yếu kém và nhỏ bé nhất trong xã hội.
Khi các môn đệ bị ám ảnh bởi chuyện làm lớn
thì Thầy Giêsu đem lại cho họ một em nhỏ,
và cho thấy sự cao trọng lớn lao của em trong cái nhìn của Thiên Chúa.
Câu trả lời của Thầy đã rõ: kẻ nhỏ nhất chính là người lớn nhất trong anh em.
Vượt ra khỏi sự tranh chấp trong nhóm,
bây giờ các môn đệ lại phải đối diện với một người trừ quỷ ở ngoài nhóm. 
“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng chúng con đi theo Thầy.”
Tại sao một người ở ngoài nhóm lại dám lấy danh Thầy mà trừ quỷ?
Lẽ ra việc dùng danh Thầy phải là độc quyền của chúng con.
Người ấy không được chiếm lấy sự thành công và tăm tiếng
mà chỉ những ai theo Thầy như chúng con mới được hưởng.
Các môn đệ đã có thái độ cục bộ và bè phái.
Họ cần cởi mở và khoan dung hơn với những người ngoài.
Danh Thầy Giêsu là quà tặng cho cả thế giới, chứ không cho riêng môn đệ.
Ai cũng có thể đến múc lấy sức mạnh từ Danh ấy và sẻ chia.
Thầy Giêsu mời các môn đệ bước ra khỏi sự hẹp hòi khép kín,
để vui vẻ kính trọng một người tuy không thuộc nhóm mình,
nhưng làm được những việc mà có khi mình không làm nổi (Lc 9, 40).
Danh Giêsu được tôn vinh: đó là điều chúng ta nhắm tới.
Chúng ta chỉ mong sức mạnh của Danh này làm thế giới được trừ quỷ.
Chỉ mong ai đó đang ở ngoài nhóm và đang trừ quỷ nhờ Danh Giêsu,
sẽ có ngày trở thành người môn đệ trong nhóm.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

CÓ MỘT VỰC THẲM (29.9.2013 – Chúa nhật 26 Mùa Thường niên, Năm C)

CÓ MỘT VỰC THẲM
Lời Chúa: Lc 16, 19-31
http://ngonsu.org/wp-content/uploads/2012/11/images-8.jpg
Một hôm, Ðức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Ápraham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bấy giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được’. Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Ápraham đáp: ‘Chúng đã có ông Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’. Ông Ápraham đáp: ‘Ông Môsê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu’.”
Suy nim:
Tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới
còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển.
Bill Gates giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất.
Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông, Liên Hiệp Quốc đủ chi tiêu
cho giáo dục cơ bản, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh
cho cả thế giới trong một thời gian dài.
Khi nhìn sự chênh lệch giữa ông nhà giàu và Ladarô,
chúng ta thấy bức tranh hiện thực của thế giới.
Hố sâu ngăn cách giữa giàu nghèo ở đô thị,
giữa đô thị và nông thôn, càng lúc càng lớn.
Có 800 triệu Ladarô đang đói nghèo cùng cực.
Hơn một tỉ Ladarô bệnh tật không được chăm sóc.
Vẫn có bao người chết đói mỗi ngày,
vì không được hưởng gì từ các bàn tiệc rơi xuống.
Ông nhà giàu trong dụ ngôn có thấy, có biết Ladarô,
nhưng thấy mà như không thấy có Ladarô trên đời.
Tiện nghi vật chất đã thành bức tường kín.
Ông sống an toàn mãn nguyện trong khoảng không gian riêng.
Chính ông đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách.
Không cần Chúa, cũng chẳng cần biết đến anh em.
Có thể nói vực thẳm đó lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau.
Hỏa ngục là sự tự cô lập mình không thể đảo ngược được.
Chẳng ai có thể cho tôi một giọt nước.
Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau
là do chính con người đã tạo ra từ đời này.
Ông nhà giàu bị phạt, không phải vì ông đã bóc lột ai,
nhưng vì ông không bị sốc chút nào
trước sự chênh lệch ghê gớm giữa ông và Ladarô.
Từ sốc mới nẩy sinh thức tỉnh, và dẫn đến hoán cải.
Nhiều nước giàu vẫn trợ giúp các nước nghèo,
nhưng không muốn loại bỏ sự bất bình đẳng.
Các nước nghèo vẫn bị bóc lột về tài nguyên, nhân công,
và bị nô lệ cho những món nợ không sao trả hết.
Ông nhà giàu bị phạt không phải vì ông đã nhận nhiều,
nhưng vì ông đã không san sẻ những gì mình nhận.
Giàu không phải là một tội, của cải tự nó không xấu.
Có bao người giàu tốt như Dakêu, Nicôđêmô, Giuse Arimathia.
Nhưng giàu sang có thể dẫn đến cám dỗ nguy hiểm:
Tích trữ, tham lam, hà tiện, khép kín, tự mãn, hưởng thụ,
bị ám ảnh bởi đồng tiền, bị mê hoặc bởi lợi nhuận.
Chúng ta có thể nghèo của cải, nhưng giàu có về các mặt khác:
giàu kiến thức chuyên môn, giàu thế lực ảnh hưởng,
giàu sức khỏe, giàu tình bạn tình yêu, giàu niềm vui, ơn Chúa.
Hãy tập nhìn xuống để thấy bao người dưới mình.
Chia sẻ là lấp vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình.
Ước gì chúng ta để cho Lời Chúa hoán cải,
để thấy trách nhiệm của mình trước những Ladarô
nằm ngay nơi cửa, trong khu xóm...
Chỉ cần bớt chút dư thừa, xa xỉ của chúng ta
cũng đủ làm nhiều người no nê hạnh phúc.

Không hiểu lời đó (28.9.2013 – Thứ bảy Tuần 25 Mùa Thường niên)

Không hiểu lời đó
Lời Chúa: Lc 9, 43b-45
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?
Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.
Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha,
và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44)

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Anh em bảo Thầy là ai? (27.9.2013 – Thứ sáu Tuần 25 Mùa Thường niên)

Anh em bảo Thầy là ai?
Lời Chúa: Lc 9, 18-22
Hôm ấy, Ðức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Ðám đông nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người bảo rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.”
Suy nim:
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).
Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?
“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.
Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.