Cãi nhau
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ từ trên núi
xuống, rồi đi băng qua miền Galilê. Nhưng Ðức Giêsu không muốn có ai biết,
vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ
sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.”
Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó,
Ðức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi các
ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi
đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Ðức Giêsu ngồi
xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Nếu ai muốn làm người đứng đầu, thì phải
làm người rốt hết của mọi người và làm người phục vụ cho mọi người.” Kế đó,
Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón
một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón
Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy.”
Suy niệm:
Ngoài
chuyện chậm tin, chậm hiểu,
các môn đệ còn có một điểm yếu là
hay cãi nhau.
Họ cãi nhau xem ai là người lớn
nhất trong nhóm.
Người ấy sẽ là người đứng đầu trong
Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc thay trong bài Tin Mừng hôm
nay,
họ lại cãi nhau khi đang đi ngoài
đường (c. 33).
Tệ hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau
khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai
về cái chết và sự phục sinh sắp đến
của mình (c. 31).
Hẳn Thầy
Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù đang đi với Thầy trên cùng một
con đường,
nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi
vinh quang thế gian.
Đức Giêsu quả là một bậc thầy về sự
điềm đạm.
Ngài đợi tới khi về nhà ở
Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài làm như mình không rõ về đề
tài câu chuyện:
“Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
Khi các ông mắc cỡ làm thinh, không
dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông
phải nói.
Ngài ngồi xuống như một vị thầy bắt
đầu giảng dạy (c. 35),
gọi Nhóm Mười Hai lại - nhóm các
nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội -
và đưa ra một nguyên tắc chi phối
việc quản trị cộng đoàn:
“Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết
của mọi người
và làm người phục vụ cho mọi người (c. 35).
Câu nói
trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người
đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ
làm lớn.
Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn
lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là trở nên người phục vụ mọi
người, sống như Ngài đã sống:
“Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu làm đầu mà phải phục vụ thì có
ai muốn làm người đứng đầu nữa không?
Lịch sử
của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa các quốc gia, các tôn giáo,
các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề tài muôn thuở vẫn là quyền lực,
chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để
được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy
chỉ là giấy phép để phục vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét