Powered By Blogger

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Chúng tôi không biết (1.6.2013 – Thứ bảy Tuần 8 Mùa Thường niên)

Chúng tôi không biết
Lời Chúa: Mc 11, 27-33
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ lại vào Giêrusalem. Người đang đi trong Ðền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? hay ai đã cho ông quyền đó để ông làm các điều ấy?” Ðức Giêsu đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!” Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Nhưng chẳng lẽ mình nói: ‘Do người ta’?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Ðức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Ðức Giêsu liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
Suy nim:
“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy
hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (c. 28).
Ba giới chức cao nhất của Do Thái giáo
đã đặt câu hỏi như vậy với Đức Giêsu khi Ngài đi đi lại lại
trong Đền Thờ Giêrusalem vào những ngày cuối đời.
Ông lấy quyền nào mà dám đuổi những kẻ buôn bán ở đây?
Ông lấy quyền nào mà lật bàn của những người đổi tiền,
và xô đổ ghế của những người bán bồ câu? (c. 15).
Tất cả những người làm chuyện buôn bán
đều nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự của Đền Thờ.
Nếu không cho buôn bán ở đây thì người dân lấy gì mà dâng cúng?
Có phải ông định phá hoại các sinh hoạt ở Đền Thờ không?
Tại sao ông dám nói nơi Thánh này đã trở nên hang ổ của bọn cướp ?
Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục muốn giết Đức Giêsu (c. 18).
Họ nghiêm chỉnh đến gặp Ngài và đòi Ngài phải trả lời câu hỏi của họ.
Họ muốn biết người nào đã cho Đức Giêsu quyền đó.
Đức Giêsu dùng phương pháp của các rabbi,
trả lời một câu hỏi bằng cách đặt ngược một câu hỏi khác.
“Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi.
Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết
tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy” (c. 29).
Ngài đặt cho họ câu hỏi về nguồn gốc của phép rửa bởi Gioan:
“Phép rửa của ông Gioan là do Thiên Chúa hay do loài người?” (c. 30).
Câu hỏi tưởng như đơn giản này lập tức đưa họ vào thế kẹt.
Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi Thiên Chúa
thì họ sẽ bị tố cáo vì đã không tin vào lời giảng của Gioan.
Hơn nữa khi tin vào Gioan, họ cũng phải tin vào Đức Giêsu,
Đấng đã được Gioan hết lòng khiêm cung làm chứng.
Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi loài người
thì họ sẽ vấp phải sự chống đối từ phía dân chúng,
vì họ tin Gioan là một vị ngôn sứ đích thực.
Như thế câu hỏi của Đức Giêsu đã đưa họ vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Câu hỏi của Ngài dồn họ vào thế phải trả lời:
“Chúng tôi không biết.” (c. 33).
Có thật họ không biết hay chỉ là né tránh sự thật?
Họ đã không tin Gioan, vì sợ tin Gioan sẽ phải tin cả Giêsu nữa.
Nhưng họ lại sợ không dám nói ra điều đó cho dân chúng biết.
Nỗi sợ bị mất uy tín, mất chỗ đứng, khiến họ trở nên câm lặng.
Câu hỏi của Đức Giê su đòi họ trở về với lòng mình
để tự tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của họ: “Ông lấy quyền nào?”
Quyền của Đức Giêsu là quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa.
Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi thành kiến và nỗi sợ hãi
để có được sự tự do khi trao đổi với nhau?
Làm thế nào để chúng ta không tìm cách tránh né sự thật,
dù chấp nhận sự thật đòi chúng ta phải thay đổi tận căn và trả giá?
Làm thế nào để chúng ta can đảm nhận mình sai để lại bắt đầu?

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Maria ở lại độ ba tháng (31.5.2013 – Thứ sáu – Đức Maria thăm viếng Bà Êlisabeth)

Maria ở lại độ ba tháng
Lời Chúa: Lc 1, 39-56
Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabeth. Bà Êlisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
Bà Maria ở lại với bà Êlisabeth độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Suy nim:
Từ Nadarét, Chị Maria đã phải đi 160 cây số để đến nhà ông bà Dacaria.
Ngày nay, người ta cho rằng nhà của ông bà tư tế này là ở En Kerem,
một ngôi làng nằm trên đồi, vây bọc bởi những cây ô liu và vườn nho,
cách Giêrusalem 6 cây số về hướng tây.
Cuộc hành trình vất vả, dài như cuộc hành hương lên Đền Thánh.
Chị Maria không đi một mình, chắc Chị đi với một người bà con.
Hơn nữa, chị đi với Giêsu đang lớn lên trong lòng Chị.
Khi nghe sứ thần nói bà chị họ Êlisabeth già nua đang mang thai,
Maria thấy mình có bổn phận phải vội vã lên đường.
Chị muốn đem đến cho bà Êlisabeth sự hiện diện của Chị.
Một sự hiện diện khiêm tốn và lịch sự.
Chị đã mở lời chào khi vừa bước vào nhà ông bà tư tế Dacaria.
Chúng ta không rõ Maria đã chào như thế nào,
nhưng lời chào của Chị đã làm bật dậy nơi bà Êlisabeth
một chuỗi những âm vang mạnh mẽ và bất ngờ.
Tai vừa nghe lời chào của cô em Maria,
Êlisabeth thấy thai nhi trong lòng mình nhảy lên vì vui sướng (cc. 41, 44).
Lập tức bà được đầy tràn Thánh Thần.
Thánh Thần đã khiến bà nhận ra những mầu nhiệm lớn lao
đang diễn ra trong cuộc hạnh ngộ ở đây, vào giây phút này.
Êlisabeth lớn tiếng ca ngợi Maria là người phụ nữ diễm phúc nhất.
Maria có phúc vì được chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu độ (c. 42),
và vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với mình (c. 45).
Ngỡ ngàng và ngây ngất trong hạnh phúc, Êlisabeth kêu lên :
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa của tôi đến với tôi thế này?” (c. 43).
Như thế mầu nhiệm ẩn kín nơi Chị Maria, bà Êlisabeth đã biết.
Ngược lại, khi thấy bà chị họ của mình mang thai,
Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần đã nói với mình.
Một sự hiện diện mang tính phục vụ.
Maria đã ở với bà Êlisabeth độ ba tháng để giúp bà trong lúc sinh nở.
Tất cả những việc trong nhà, hẳn chị Maria đã tận tâm chu tất.
Khi Chị nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38),
khi bà Êlisabeth gọi Chị là Mẹ của Chúa tôi (c. 43),
thì Chị lại trở nên nữ tỳ phục vụ bà chị họ cao niên.
Sự hiện diện của Chị đem lại cho cả nhà niềm vui và hạnh phúc.
Giêsu vẫn lớn lên từng ngày trong Chị, và Chị cảm nhận điều đó.
Lời ca Magnificat chẳng phải chỉ được cất lên một lần.
Lời ngợi khen ấy thấm nhuần cuộc sống của Chị.
Mãi mãi Chị là nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa cúi xuống (c. 48).
Và Chị biết mình cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân.
Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta hằng ngày đều có tính linh thánh.
Trong niềm vui của Thánh Thần, ta vừa cho đi, vừa nhận lãnh,
vừa ngợi khen Chúa, vừa phục vụ con người.
Ước gì chúng ta thấy mình lớn lên nhờ dám mở ra để gặp gỡ.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Xin cho tôi nhìn thấy (30.5.2013 – Thứ năm Tuần 8 Mùa Thường niên)

Xin cho tôi nhìn thấy
Lời Chúa: Mc 10, 46-52
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ đến thành Giêrikhô. Khi Ðức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người hành khất mù, tên là Báctimê, con ông Timê, đang ngồi ở vệ đường. Vừa nghe nói đó là Ðức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi!” Ðức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Ðức Giêsu. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
Suy nim:
Bị mù mắt, thật là khổ.
Cả thế giới như khép lại trong toàn một màu đen.
Nhiều người thà chọn bị câm điếc còn hơn là mù.
Tuy vậy thế giới người mù cũng không bị hoàn toàn đóng kín.
Người mù còn có tai mở ra để nghe, miệng mở ra để nói.
Nếu biết tận dụng những gì mình có,
người mù cũng “thấy” được nhiều điều.
Có một người mù ngồi bên vệ đường, sống bằng nghề ăn xin.
Tai anh nghe thấy bước chân rộn rã
của một đoàn người khá đông, đang đi ra khỏi thành Giêricô.
Khi biết trong đoàn người này có Đức Giêsu Nadaret,
Đấng nổi tiếng về chữa bệnh và trừ quỷ,
anh mù thấy ngay cơ hội mình chờ đợi bấy lâu, nay đã đến.
Anh quyết sẽ không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này.
Tuy bị mù, nhưng anh còn có tiếng nói.
Anh sẽ tận dụng tiếng kêu của mình để ông Giêsu chú ý đến anh:
“Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót tôi!”
Tiếc thay tiếng kêu của anh lại bị át đi bởi những tiếng nạt nộ.
Nhiều người bắt anh im đi để khỏi gây trở ngại cho cuộc hành trình.
Chẳng những không im, anh mù càng kêu lớn tiếng,
vì anh biết rằng chỉ cần làm cho Giêsu nghe được tiếng kêu của mình,
dù chỉ một lần, thì đời mình sẽ hoàn toàn thay đổi.
Anh mù cứ nhắc đi nhắc lại cùng một điệp khúc xin xót thương.
Giữa đám đông ồn ào náo động,
Đức Giêsu có nghe được tiếng anh mù gọi tên mình không?
Có, dù rất nhỏ, dù chỉ một lần.
Tiếng kêu ấy vừa thống thiết, quyết liệt, vừa đầy tin tưởng, cậy trông.
Tiếng kêu ấy báo hiệu về một sự hiện diện mà Ngài chưa rõ.
Tiếng kêu làm cho Ngài dừng lại (c. 49).
“Gọi anh ta lại đây.”
Lúc nãy anh gọi Giêsu, bây giờ Giêsu nhờ người ta gọi anh (c. 49).
Khi biết mình được gọi, anh mù nhảy cẫng lên,
vất cả áo choàng lại mà bước tới.
Nhưng anh vẫn cần có ai dắt anh đến gần Giêsu.
Ngài đã nghe anh xin Ngài thương xót, nhưng cụ thể anh muốn xin gì:
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 51).
Đức Giêsu muốn anh nói lên ước muốn của mình.
“Thưa Thầy, Rabbouni, xin cho tôi thấy lại được.”
Anh mù đã được thấy lại, anh lại thấy mặt trời và người xung quanh.
Anh thấy Giêsu, người anh tin nhưng chưa một lần gặp mặt.
Giêsu cho anh ánh sáng để anh khỏi phải ngồi ăn xin ở vệ đường.
Giêsu giải phóng anh khỏi bóng tối và trả cho anh phẩm giá anh vốn có.
Giêsu đã dừng lại, đã bắt cả đám đông phải dừng lại, chỉ vì anh.
Bây giờ anh muốn hòa mình với đám đông để theo Ngài trên đường (c. 52).
Dưới góc độ nào đó, chúng ta đều là những người mù.
Có khi ta biết mình mù và muốn thoát khỏi cảnh mù tối như Báctimê.
Nhưng có khi ta mù mà không biết, nên vẫn vô tư ở lại trong cảnh mù.
Tệ hơn nữa, có khi ta sáng mắt, nhưng lại cố ý không muốn thấy.
Cố ý không muốn thấy một sự thật rành rành chỉ vì cố chấp hay tư lợi.
Không thấy xà trong mắt mình, nhưng lại thấy rác trong mắt anh em.
Chúng ta vẫn cần người khác để được sáng mắt,
cần có ai đó dẫn ta mù lòa đến với Giêsu.
Điều gì có thể khiến ta bị mù?
Một định kiến có thể khiến ta khép lại trước một sự thật lớn hơn nhiều.
Điều ta biết, dù đúng, cũng chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ sự thật.
Một đam mê, dục vọng cũng có thể làm chúng ta bị mù (1 Ga 2, 16),
không muốn sáng mắt vì sợ phải từ bỏ điều mình gắn bó.
“Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua thuốc
để xức mắt cho ngươi nhìn thấy được” (Kh 3, 18).
Mong Giêsu chữa lành mắt ta mỗi ngày.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Tôi phải làm gì? (27.5.2013 – Thứ hai Tuần 8 Mùa Thường niên)

Tôi phải làm gì?
Lời Chúa: Mc 10, 17-27
Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”. Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.
Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
Suy nim:
“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”
Một anh thanh niên vội vã chạy đến, quỳ trước mặt Đức Giêsu
và hỏi Ngài như thế khi Ngài vừa lên đường.
Rõ ràng anh đang háo hức và thao thức
tìm kiếm một lối sống phù hợp ở đời này,
để nhờ đó được hưởng hạnh phúc vững bền mãi mãi.
Anh đã đến với Thầy Giêsu tốt lành để hỏi câu hỏi này,
và anh thực sự chờ nơi Thầy câu trả lời.
Thầy nhắc anh về những giới răn liên quan đến tha nhân.
Đây là những điều anh đã biết, và hơn nữa,
anh thú nhận mình đã giữ chúng từ khi còn nhỏ (c. 20).
Thầy Giêsu như bị cuốn hút bởi con người đạo đức của anh.
Đưa mắt nhìn anh, Thầy đem lòng yêu mến (c. 21).
Đúng là anh đã không làm hại gì đến tha nhân.
Nhưng anh còn thiếu một điều quan trọng, đó là:
Đi. Bán những gì mình có. Cho người nghèo.
Rồi đến. Và theo Thầy Giêsu.
Thầy mời anh đi một vòng, rồi trở lại.
Lúc trở lại với Thầy, anh sẽ nhẹ hơn nhiều,
vì mọi của cải đã được phân phát cho người nghèo khó.
Thầy Giêsu muốn anh trở nên môn đệ của mình,
sau khi đã trở nên tay trắng, không còn gì để nương tựa.
Anh thanh niên sẽ có kho tàng trên trời,
khi anh được giải phóng khỏi kho tàng của anh dưới đất.
Tiếc thay anh đã từ chối lời mời của vị Thầy có lòng mến anh,
và đã chỉ cho anh điều phải làm.
Lúc nãy anh chạy đến với Thầy, bây giờ anh lại bỏ đi (c. 22).
Lúc nãy anh háo hức, vui tươi, bây giờ anh sa sầm nét mặt.
Anh không ngờ Thầy lại đòi hỏi tận căn đến thế.
Anh mong sự sống vĩnh cửu, anh thích làm môn đệ Thầy Giêsu,
nhưng anh lại không muốn bỏ chỗ dựa là của cải đời này.
Lòng gắn bó với của cải đã là một trở ngại khiến anh mất tự do.
Không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải,
nhưng thực ra, vì của cải đã chiếm hữu anh.
Thầy Giêsu chắc còn buồn hơn anh thanh niên,
vì Thầy bị mất một người mà Thầy ưng gọi làm môn đệ.
Đến bao giờ anh thanh niên mới nguôi ngoai nỗi buồn?
Lời mời của Thầy tốt lành vẫn đeo đuổi tâm trí anh.
Anh vẫn suốt đời thiếu một điều.
Khi về nhà, khi tiếp xúc với của cải dư dật,
có khi nào anh lại thao thức đặt câu hỏi :
Tôi phải làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời?
Có khi nào anh nghĩ đến chuyện chia sẻ cho người nghèo?
Có khi nào anh lại muốn đến với Thầy Giêsu?

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

SỰ THẬT TOÀN VẸN (26.5.2013 – Chúa nhật 8 Thường niên – Chúa Ba Ngôi)

SỰ THẬT TOÀN VẸN 
Lời Chúa: Ga 16, 12-15
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”
Suy nim:
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em,
nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.”
Ðức Giêsu khi sắp về với Cha,
đã chấp nhận giới hạn của các môn đệ.
Ngài chưa nói hết được những điều Ngài muốn nói,
nhưng Ngài không muốn ép họ phải cố hiểu.
Cần có thời gian, và nhất là cần Thánh Thần...
Ðức Giêsu chấp nhận ra đi khi việc huấn luyện còn dang dở.
Ngài chấp nhận mình không phải là vị thầy duy nhất:
Sau này, Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Ga 14,26).
Ngài cũng chẳng phải là Ðấng Bảo Trợ duy nhất
vì còn một Ðấng Bảo Trợ khác đến sau Ngài (x. Ga 14,16).
Ngài đã vén mở cho các môn đệ thấy sự thật,
sự thật về Cha, về bản thân mình và về con người.
Nhưng Ngài biết rằng cần có Thánh Thần từ từ dẫn dắt
các môn đệ mới hiểu thấu và đi vào toàn bộ sự thật.
lợi ích của họ, Ðức Giêsu sẵn sàng ra đi (x. Ga 16,7),
để nhường chỗ cho Ðấng Cha và Ngài sai đến.
Ðức Giêsu chẳng tìm mình, và Thánh Thần cũng vậy.
Thánh Thần chỉ có sứ mạng
là đưa con người đến với Cha và Con là Ðức Giêsu.
Ngài chẳng tìm vinh quang cho mình,
nhưng chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Ðức Giêsu.
Cha cũng chẳng tim mình.
Cha chẳng giữ gì làm của riêng.
“Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (c.15)
Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con.
Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha.
Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần,
Khi chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi,
chúng ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng.
Mỗi ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia.
Yêu thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ
Nhưng từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là mình,
và sống trong hạnh phúc viên mãn.
Thiên Chúa của Kitô giáo là một cộng đoàn yêu thương,
nhưng thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi lại không khép kín.
Thế giới ấy vươn ra ngoài mình,
để cho hạnh phúc tuôn đổ trên toàn bộ công trình sáng tạo.
Cha yêu loài người đến độ sai Con Một làm người.
Con yêu loài người đến độ dám sống và chết cho họ.
Thánh Thần yêu loài người đến độ luôn ở bên để ủi an nâng đỡ.
Cả Ba Ngôi cùng nhau lo cho loài người.
Ước mơ lớn nhất của Ba Ngôi là đưa cả nhân loại
đi vào thế giới thần linh của mình,
để mỗi người được hưởng hạnh phúc làm con trong Chúa Con.
Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, chia sẻ, mời gọi.
Tình yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ đợi chờ.
Chúng ta tự hỏi mình có sẵn sàng mở ra
để Chúa đi vào thế giới của mình
và để mình đi vào thế giới của Chúa không?

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Ngài ôm các trẻ em (25.5.2013 – Thứ bảy Tuần 7 Mùa Thường niên)

Ngài ôm các trẻ em
Lời Chúa: Mc 10, 13-16
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu với trẻ em.
Chắc các em còn nhỏ nên cần có người đưa các em đến với Ngài.
Đó có thể là cha mẹ hay một người trong gia tộc.
Những người đưa các em đến phải có lòng tin vào Đức Giêsu.
Họ đưa con của họ đến gặp Đấng mà họ tin là Người của Thiên Chúa.
Họ không mong Thầy Giêsu chữa bệnh hay cho con mình bánh kẹo.
Điều họ mong là được Ngài chạm tay vào chúng (c. 13).
Một cái chạm tay rất nhẹ của Thầy, một cái chạm nhẹ của Thiên Chúa.
Họ mong có sự tiếp xúc giữa chính tay Thầy với thân xác con cái họ.
Ơn phúc lành đến qua tay, qua sự tiếp xúc đơn sơ.
Thầy Giêsu rất vui lòng làm chuyện đó.
Nhưng các môn đệ lại không nghĩ như vậy.
Họ nghĩ chơi với trẻ em chỉ tổ mất thì giờ, bị quấy rầy vì ồn ào, lộn xộn.
Vả lại, trẻ em thì đâu có xứng đáng để được gặp Thầy.
Bởi vậy họ đã ngăn cấm không cho các em đến với Đức Giêsu.
Nói chung họ vẫn chưa hiểu ra bài học mới đây của Thầy (Mc 9, 36-37).
Khi thấy các môn đệ ngăn cản, Thầy Giêsu đã nổi giận thực sự.
Chắc Ngài giận vì không hiểu được sao các ông vẫn hẹp hòi đến thế,
sao các ông vẫn chưa đổi được cái nhìn của mình về trẻ em.
“Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (c. 14).
 Đây là một mệnh lệnh nghiêm chỉnh và có giá trị mãi.
Trẻ em có chỗ trong trái tim Giêsu.
Thầy Giêsu dù bận bịu nhưng vẫn có giờ cho các em gặp gỡ.
Ngài không coi chuyện chơi với các em là phiền phức.
Chúng ta chẳng những không được ngăn cản,
mà còn phải giúp đưa các em đến với Thầy Giêsu.
Chúng ta là cha mẹ, là thầy của các em,
nhưng mặt khác chúng ta lại là học trò để học hỏi nơi các em.
“Vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng” (c. 14).
Chúng ta cần học nơi các em lòng biết ơn, sự cậy dựa và khiêm nhu.
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em,
thì sẽ chẳng được vào” (c. 15).
Như thế phải học cách đón lấy Nước Trời như trẻ thơ,
nghĩa là đón lấy như một quà tặng mà mình không xứng,
đón lấy với sự ngỡ ngàng, ca ngợi, tri ân.
Hãy nhìn Thầy Giêsu bồng các em nhỏ trên cánh tay (c. 16; Mc 9, 36).
Hãy nhìn nét mặt hạnh phúc của Thầy.
Thầy chẳng những chạm đến các em, mà còn bồng các em.
Thầy còn trịnh trọng chúc lành bằng cách đặt hai bàn tay trên các em.
Rõ ràng Thầy Giêsu quý các em, và Ngài không muốn ta làm hư các em.
Thế giới hôm nay có bao điều ngăn cản không cho trẻ em gặp Chúa.
Bao trẻ thơ đã bị lạm dụng từ nhỏ, bị ngược đãi, bị bắt làm nô lệ,
bị thất học, bị bỏ rơi, bị ném vào cuộc đời quá sớm.
Bao trẻ thơ bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tật và chết khi còn trong lòng mẹ.
Bao trẻ thơ thèm được chút hơi ấm của tình thương gia đình.
Nhất là có những trẻ em đã sớm mất tuổi thơ
và dính vào thói hư của người lớn như nghiện ngập, phạm tội hình sự.
Hãy giúp các em làm quen với Giêsu và đừng làm gương xấu cho các em.
Hãy đón tiếp các em để gặp được chính Thầy Giêsu
và gặp được chính Thiên Chúa (Mc 9, 37).