Thiên Chúa của kẻ sống
Khi ấy, có những người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu.
Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, ông Môsê có
viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà
không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay
em mình’. Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không
để lại một đứa con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để
lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không để lại
một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày sống lại,
khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà
làm vợ”.
Đức Giêsu nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền
năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại,
thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.
Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói
về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên
Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, và Thiên Chúa của Giacóp. Người không
phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!”
Suy
niệm:
Khi được
hỏi về cuộc sống mai hậu,
Đức Khổng Tử đã trả lời đại khái
như sau:
chuyện đời này còn chưa nắm hết,
nói gì đến chuyện đời sau.
Nhưng chuyện đời sau vẫn là thao
thức muôn thuở của con người.
Con người muốn biết sau cuộc sống
ngắn ngủi này, mình sẽ đi về đâu.
Đi mà không rõ đích đến thì sẽ đi
lông bông vô định.
Tiếc là có người đã tin rằng chẳng
có gì sau cái chết!
Nhóm
Xađốc cũng thuộc hạng người trên.
Họ là những tư tế Do thái giáo bảo
thủ, không chấp nhận các ý tưởng mới
như chuyện người chết sống lại hay
sự hiện hữu của các thiên thần.
Trong Kinh Thánh, họ chỉ dựa vào
Ngũ Thư, trong đó có sách Đệ nhị luật.
Sách này có nói đến chuyện một
người trong họ hàng gần (Đnl 25, 5-10),
phải lấy bà vợ góa không con của anh
em mình, để có người nối dõi.
Nhóm Xađốc đã đưa ra một trường hợp
hãn hữu và buồn cười (cc. 20-23),
để cho thấy chuyện sống lại là vô
lý, và Môsê cũng chẳng tin chuyện đó.
“Khi sống lại, bà ấy sẽ là vợ của
ai? Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ.”
Đức Giêsu
đã nặng lời chê các tư tế trong nhóm này (c. 24).
Họ đã hiểu cuộc sống đời sau như
một thứ kéo dài cuộc sống hiện tại,
nơi đó người ta vẫn cưới vợ, lấy
chồng, vẫn sinh con đẻ cái.
Đức Giêsu cho thấy một bộ mặt khác
hẳn của đời sau.
Người được sống lại là người bước
vào cuộc sống hoàn toàn mới.
Họ sống “như các thiên thần trên
trời” (c. 25),
nghĩa là sống trọn vẹn cho việc
phụng sự Thiên Chúa,
với một thân xác đã được biến đổi
nên giống thân xác Đấng phục sinh.
Nhưng đừng hiểu thiên đàng là nơi
mất đi sự ấm áp của tình người.
“Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên
thiên đàng” (Lc 23, 43).
“Thầy đi dọn chỗ cho anh em, để
Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3).
Tình yêu với Thầy Giêsu và những
mối dây thân ái giữa người với người,
chẳng có gì bị phá vỡ, nhưng trở
nên hoàn hảo vững bền.
Người ta sẽ không cưới hỏi hay sinh
con,
nhưng tình nghĩa vợ chồng được nâng
lên một bình diện mới.
Đức Giêsu
trưng dẫn sách Xuất hành để minh chứng có sự sống lại.
Thiên Chúa nhận mình là Thiên Chúa
của các tổ phụ Ítraen (Xh 3,15).
Mà người Do thái tin là Ngài không
gắn mình với các anh hùng đã chết.
Vậy Abraham, Ixaác và Giacóp phải
là những người đang sống,
nghĩa là những người đã chết và đã
được phục sinh.
Chúng ta
tuyên xưng có sự sống đời sau qua kinh Tin Kính.
Nhưng sống niềm tin ấy giữa thế
giới vật chất và vô tín là điều không dễ.
Chỉ xin cho vất vả lo toan đời này
không làm ta quên đời sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét