Trung tín, khôn ngoan
Lời Chúa:
Lc 12, 39-48
Khi ấy, Đức Giêsu
nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ
trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy
sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Bấy giờ
ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi
người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông
chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng
lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh
ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của
mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu
đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào
ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải
chung số phận với những tên thất tín. Ðầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn
bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết
ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều
thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”
Suy niệm:
Kẻ trộm
xưa cũng như nay đều đến mà không báo trước,
bất ngờ khoét vách nhà khi gia chủ
còn ngủ say.
Đức Giêsu, qua một dụ ngôn, đã dám
so sánh mình với kẻ trộm,
chỉ vì Ngài giống anh ta ở nét bất
ngờ (cc. 39-40).
“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ
anh em không ngờ, Con Người sẽ đến.”
Ông chủ có thể trở về khi trời gần
sáng, lúc canh ba.
Sẵn sàng là mở cửa ngay cho chủ, vì
vẫn còn thức, còn chờ, còn đèn sáng.
Thiếu sẵn sàng là ngủ mê, không
nghe được tiếng gõ cửa.
Ngủ mê làm chủ nhà không biết kẻ
trộm đang khoét vách.
Thiếu tỉnh thức để đón Chúa Giêsu,
cũng đem lại hậu quả khôn lường.
Tỉnh thức
sẵn sàng là thái độ cần có của chủ nhà, của người lãnh đạo.
Khi Phêrô hỏi Đức Giêsu xem dụ ngôn
trên áp dụng cho ai (c. 41),
cho dân chúng hay cho nhóm Mười Hai
là những người lãnh đạo,
Ngài đã kể cho họ một dụ ngôn khác
về người quản gia.
Vì ông chủ đi vắng nên anh được ông
đặt lên coi sóc gia nhân trong nhà,
tuy anh vẫn là một đầy tớ giữa
những đầy tớ khác (c. 43).
Chính sự vắng nhà của ông chủ đã
làm lộ ra thực chất của người quản gia.
Người quản gia trung tín sẽ chăm
chỉ làm tròn bổn phận được giao.
Việc quan trọng là cấp phát phần
thóc gạo đúng giờ đúng lúc (c. 42).
Anh này chẳng để ý gì đến chuyện
khi nào chủ mình về.
Khôn ngoan đối với anh là làm theo
đúng ý của chủ.
Anh chỉ tập trung vào việc phục vụ
những người được chủ giao phó,
và phục vụ đúng giờ.
Hẳn anh sẽ được ông chủ khen ngợi
và đặt ở một vị trí cao hơn,
nếu bất ngờ ông về mà thấy anh đang
phục vụ chăm chỉ.
Nhưng
quản gia lại có thể là một người thiếu trách nhiệm.
Thời gian ông chủ vắng nhà cũng là
thời gian anh ta có quyền.
Anh đã tận dụng quyền hành có trong
tay để áp chế các đầy tớ khác,
và sống một cuộc sống buông thả, vô
độ.
“Anh bắt đầu đánh đập các tôi trai
tớ gái, và chè chén say sưa” (c. 45).
Lý do hư hỏng của anh này rất đơn
giản.
Anh nghĩ “chủ ta còn lâu mới về”,
nên ta cứ thoải mái ăn chơi.
Anh chỉ cố làm sao khi chủ về, chủ
thấy anh đang làm việc tử tế.
Tiếc thay chủ về sớm hơn anh nghĩ,
“vào ngày anh không ngờ, vào giờ
anh không biết” (c. 46).
Sự thật ê chề được phơi bày không
thể chối cãi.
Những đầy tớ bị anh hành hạ và bỏ
đói, những phung phí tài sản,
là bằng chứng cho sự thất tín của
anh.
Kitô hữu
là những người đã biết ý Chúa, mà không làm theo,
sẽ bị phạt nặng hơn những người
không biết.
Những nhà lãnh đạo được trao quyền
hành và trách nhiệm
cũng phải trả lời trước mặt Chúa về
cách phục vụ của mình.
Chúng ta đều sợ khi nghe những lời
này của Đức Giêsu:
“Ai được cho nhiều, sẽ bị đòi
nhiều.
Ai được giao phó nhiều sẽ bị đòi
hỏi nhiều hơn.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét