Powered By Blogger

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Chiêm ngưỡng nhan Cha (2.10.2012 – Thứ ba. Các thiên thần hộ thủ)



Chiêm ngưỡng nhan Cha
Lời Chúa: Mt 18, 1-5.10
Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy. Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời.”
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay vừa nói đến trẻ nhỏ,
vừa nói đến những kẻ bé mọn trong cộng đoàn.
Ai là những kẻ bé mọn trong cộng đoàn ?
Đó là những người tin vào Đức Giêsu (Mt 18, 6),
nhưng đức tin của họ còn non yếu, mong manh.
Đức Giêsu đã nặng lời với ai làm cho một kẻ bé mọn sa ngã.
“Thà cột cối đá lớn vào cổ và ném nó dưới biển còn hơn.”
Rõ ràng Đức Giêsu quý những kẻ bé mọn trong cộng đoàn.
Ngài không muốn họ bị tổn thương vì gương mù gương xấu.
Câu cuối của bài Tin Mừng là một lời nhắc nhở nữa.
“Anh em chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này” (c. 10).
Lý do Đức Giêsu đưa ra khá đặc biệt:
“Vì các thiên thần của họ ở trên trời
không ngừng thấy khuôn mặt của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
Như thế ngay cả những người bé mọn cũng có thiên thần riêng.
Người bé mọn có thể lầm lạc, sa ngã,
nhưng không vì thế mà họ bị coi thường hay khinh miệt.
Thiên thần của họ vẫn ở gần Thiên Chúa để chuyển cầu cho họ.
Thật thú vị khi người Kitô hữu tin mình có một thiên thần hộ thủ.
Thánh Basiliô viết: “Mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ thủ,
để bảo trợ và hướng dẫn đến sự sống đời đời.”
Vị thiên thần này vừa được phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa,
vừa đồng hành suốt đời với từng người cho đến nơi quê thật.
Thiên thần hộ thủ là một quà tặng của lòng nhân hậu Chúa.
Là sứ giả được Chúa sai,
thiên thần là sự hiện diện của Chúa với từng người chúng ta.
Thiên thần đã bảo vệ ông Lót (St 19),
đã cứu Agar và con của bà (St 21, 17),
đã giữ tay Abraham không cho cụ giết con (St 22, 11).
Một vị thiên thần ban đêm đã cứu Phêrô khỏi tù ngục (Cv 12, 15).
Như thế thiên thần là bạn đường bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ.
Khi sống trong một bầu khí vắng bóng Thiên Chúa,
con người khó tin vào những thực tại vô hình.
Các thiên thần có khi chỉ là những hình trang trí nơi hang đá,
hay những bức tượng thạch cao đặt hai bên bàn thờ.
Chúng ta khó tin mình được trợ giúp bởi một thiên thần có thật,
và không dám tin mình đáng quý đến thế,
để Chúa ban cho mình một người hướng đạo và đỡ nâng.
Làm sao để chúng ta ra khỏi sự cô quạnh của chính mình,
khi chấp nhận niềm tin vào thiên thần hộ thủ?
Làm sao để ta cảm được hoạt động kín đáo của người trong đời ta?

Trở lại và trở nên như trẻ thơ (1.10.2012 – Thứ hai. Lễ thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu)

Trở lại và trở nên như trẻ thơ
Lời Chúa: Mt 18, 1-5
Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy.”
Suy nim:
“Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại và trở nên như trẻ thơ,
anh em sẽ chẳng bao giờ được vào Nước Trời” (c. 3).
Đây là một câu nói long trọng của Đức Giêsu.
Như thế điều kiện để được vào Nước Trời là phải quay trở lại,
và trở nên như trẻ thơ, sống theo tinh thần của trẻ thơ.
Trở nên như trẻ thơ không phải là trở nên ấu trĩ, ngây ngô, khờ khạo,
nhưng là khiêm hạ, tin cậy, phó thác cho Thiên Chúa.
Vì thế thiên đàng có chỗ cho người lớn, người trưởng thành,
những người đã sống tinh thần của trẻ thơ.
Để trở lại và trở thành như trẻ thơ, cần nhiều hy sinh từ bỏ.
Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của các môn đệ:
“Ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” (c. 1).
Người lớn nhất chính là người đã hạ mình xuống
như em nhỏ đang đứng ở giữa các ông (c. 2).
Đoạn Tin Mừng này đã gợi cho Chị Têrêsa bí quyết nên thánh,
mà Chị gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng.
Chỉ cần sống như trẻ thơ là có hy vọng được nhận vào Nước Trời.
Têrêsa đã kiên trì đi con đường này suốt cuộc đời ngắn ngủi của Chị.
Và Chị đã nên thánh, đã thu hút bao người đi con đường này.
Con đường này thật ra cũng chẳng phải là đường của Chị
cho bằng là con đường của bài Tin Mừng hôm nay.
Chị Têrêsa đã muốn sống cái đơn sơ, nhỏ bé của trẻ thơ.
“Tôi muốn tìm thấy một cái thang để lên tới Đức Giêsu,
Vì tôi quá nhỏ bé không lên nổi các bậc trọn lành.
Lạy Chúa Giêsu, thang chính là cánh tay Ngài.
Con không cần phải lớn lên, ngược lại con phải nhỏ mãi.”
Têrêsa không nên thánh bằng những việc hãm mình kinh khủng,
nhưng bằng những hy sinh nho nhỏ, những từ bỏ ý riêng.
“Ai không có gan đóng đanh mình bằng những chiếc đanh lớn…
thì phải chịu tử đạo bằng những chiếc ghim nhỏ.”
Chị tin vào sức mạnh của những việc nhỏ bé được làm vì yêu.
“Nhặt một cái kim ở dưới đất vì yêu mến,
cũng có thể cải hóa một linh hồn.”
Mối quan tâm duy nhất của Chị là làm vui lòng Chúa trong mọi sự.
“Tôi vui sướng chịu đựng gian khổ,
ngay cả chỉ để làm Chúa mỉm cười lấy một lần.”
Têrêsa phó thác cho Chúa trong giây phút hiện tại.
“Nghĩ tới dĩ vãng và bận tâm về tương lai dễ làm nản chí và thất vọng.
Tôi chịu đựng từng giây phút một.
Chúa trao cho tôi từng lúc điều tôi có thể chịu đựng, và chỉ thế thôi.”
Têrêsa nói với chúng ta về cách cầu nguyện của Chị.
“Tôi làm như mấy đứa bé chưa biết đọc.
Tôi nói với Chúa cách đơn sơ điều tôi muốn nói với Người,
và Người luôn nghe tôi.”
Tuy sống tinh thần trẻ thơ, nhưng Têrêsa lại mang nhiều ước mơ lớn.
Chị mong được đi truyền giáo khắp nơi, được vào Dòng Kín ở Hà Nội.
“Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ học cho giỏi tiếng Híp-ri và tiếng Hy-lạp,
để hiểu tư tưởng của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người.”
Chắc chắn Têrêsa chẳng bao giờ là linh mục, và cũng chẳng đi Hà Nội.
Nhưng lòng ao ước khiến Chị đã thực hiện những điều lớn lao.
Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã tôn Chị làm Tiến Sĩ Giáo Hội,
dù Chị chưa học xong trung học, và qua đời khi mới hai mươi bốn tuổi.
Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một vị thánh được yêu thích,
đơn giản chỉ vì Chị đã trở lại và trở thành như trẻ thơ.

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Tết trung thu 2012

PHÚC ÂM: Mc 10, 13-16
Người ôm các trẻ em vào lòng, và đặt tay ban phúc lành cho chúng”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Máccô.
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thày bảo thật các con: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.
Đó là lời Chúa.
  Ngày tết Trung thu, người ta hay nói về Chú Cuội ngồi gốc cây đa và ôm cả một mối lo. Như bài hát đã từng được nhiều người ưa thích: “Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối lo”. Vậy chú Cuội là ai? 
Chú Cuội theo chuyện thần thoại của Trung Quốc, tên là Ngô Cương. Xưa kia Ngô Cương đã tu và đắc đạo thành tiên, nhưng sau vì làm nhiều điều xằng bậy trên thiên đình, đã bị Ngọc hoàng nổi giận, bắt đày xuống cung trăng, trao cho việc chặt và bóc vỏ cây quế đỏ. Thế nhưng cây quế đỏ này lại cứng như thép, nên Ngô Cương chặt mãi, bóc hoài cho đến bây giờ cũng chẳng xong. Vì vậy, mỗi đêm, nhìn lên mặt trăng, chúng ta mới thấy bóng Ngô Cương đang lúi húi ở dưới gốc cây quế.
Còn ở Việt chúng ta thì Ngô Cương lại chính là chú Cuội. Và cái bóng mà người Trung quốc gọi là cây quế đỏ, thì lại chính là cây đa thần. Vì thế mới có câu:
- Thằng cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Chú Cuội, theo truyền thuyết, đó là một kẻ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Suốt đời, đánh lừa mọi người. Hồi còn nhỏ, ngày kia vì cha mẹ đi vắng, chú phải coi nhà. Buồn tình, chú bỗng nghĩ ra một trò chơi, nên vội kêu la thất thanh: “Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.
Mọi người hối hả mang chậu, xách thùng tới tiếp cứu. Thấy vậy, chú bèn cười ngặt nghẹo đến vãi cả nước mắt. Lần khác, chú ngồi thổi cơm, chẳng may để lửa bén vào đống rơm và căn nhà bốc cháy. Chú cũng kêu la thất thanh: “Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.
Thế nhưng, lần này chẳng một ma dại nào đến tiếp cứu cho chú cả. Vì thế, dân gian mới bảo:
- Bắc thang lên đến tận mây,
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời.
Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười,
Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây.
Cũng bởi hay cái tính táy máy này, mà chú Cuội bỗng trở thành hình ảnh tượng trưng cho những kẻ chuyên môn lừa gạt: nói dối như cuội. Hay nói một đàng làm một nẻo: hứa cuội có nghĩa là hứa lèo, hứa thì rất nhiều mà chẳng làm được đí gì sốt, đầu voi đuôi chuột, trăm voi không được một bát nước xáo.
          Tại sao ngày tết Trung thu mà người ta lại kể chuyện về chú cuội, một đứa trẻ hư đốn trong ngày vui của các em? Có lẽ không phải tình cờ hay ngẫu nhiên, vì kho tàng văn học cổ tích là tiếng nói của khát vọng con người vươn tới sự hoàn thiện. Cha ông kể chuyện về chú cuội để răn đời, để dạy con cháu, đừng sống như chú cuội kẻo phải ôm gốc cây đa cả đời. Vì ngày tết Trung thu được xem là ngày tết của thiếu nhi, của tuổi thần tiên, nên cha ông ta đã dùng rất nhiều những câu chuyện thần tiên để hướng các em tới sự hoàn hảo nhất của con người.
          Theo Tin mừng, Chúa Giêsu luôn yêu thích tâm hồn trẻ thơ. Ngài luôn tìm dịp để gần gũi các em. Ngài không chỉ yêu mến, chúc lành và bênh vực, mà hơn thế nữa, còn lấy trẻ nhỏ làm khuôn vàng thước ngọc cho người l ớn phải noi theo:
- “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước trời đâu.
Nhìn vào trẻ nhỏ, chúng ta sẽ ghi nhận được biết bao nhiêu nhân đức cao đẹp.
Trước hết, nơi trẻ thơ, không có sự gian dối, chỉ có đơn sơ chân thành. Thực vậy, trẻ thơ cần phải luôn đơn sơ chân thành, không ăn gian nói dối như Cuội. Kinh nghiệm cha ông ta vẫn nói: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” Thế nhưng ngày nay, nhiều trẻ thơ đã nhiễm thói đời hay nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật. Điều đó đã làm cho các em đánh mất tuổi thơ của mình. Nếu một em bé đã nhiễm thói ăn gian nói dối, là tự mình đánh mất tuổi thơ, đánh mất vẻ hồn nhiên tươi vui sẽ làm cho con người ra già cỗi, và tự đầy đoạ mình như chú Cuội, suốt đời ôm một mối lo.  
Thứ đến, nơi trẻ thơ không có hận thù, bạo lực, mà chỉ có một tình yêu thương dạt dào và không biên giới. Mẩu chuyện mang tựa đề “Đứa bé của hòa bình”, trong mục nghệ thuật sống của báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, đ ã k ể rằng:
“…Hôm ấy, tôi được trao nhiệm vụ đi thám thính cho bộ lạc của mình. Sau ba ngày đêm ròng rã, tôi phát hiện một túp lều của kẻ thù. Tôi bò từng bước đến gần và khoét một lỗ nhỏ bằng bàn tay trên vách. Nhìn vào trong, tôi thấy một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi sưởi bên bếp lửa và một thằng bé chưa đầy hai tuổi đang chơi cạnh đó. Với bước chân đi chập chững, nó đứng dậy cầm chiếc thìa gỗ thọc sâu vào nồi xúp, rồi nó bắt chước người lớn khuấy đi khuấy lại nhiều lần. Bất thần đứa bé quay sang nhìn đúng ngay cái lỗ mà tôi đã khoét để ngó vào trong lều. Tôi hốt hoảng sợ bị phát giác. Nhưng đúng lúc bố mẹ của nó đang mải mê bên bếp lửa, đứa bé lại thọc cái thìa gỗ vào nồi, rồi múc lấy một ít xúp và đưa thẳng vào miệng tôi. Cứ thế, nó xúc cho tôi ăn liên tiếp nhiều lần mà bố mẹ nó vẫn không hề hay biết. Cuối cùng thì tôi quyết định phải rút lui và tìm đường trở về bộ lạc của mình. Nhiệm vụ đã hoàn tất, tôi đã tìm được vị trí đóng trại của kẻ thù…Tôi cắm cổ chạy trên tuyết cho tới khi đuối sức thì dừng lại…Hình ảnh và cử chỉ của thằng bé đã không buông tha tôi lấy một giây. Nó là ai? Tại sao nó lại can đảm múc xúp cho kẻ thù của bố mẹ, của cả bộ tộc nó? Sức mạnh thiêng liêng nào đã thúc đẩy nó làm như vậy? Cứ thế, tôi suy nghĩ miên man về thằng bé, nó phải được sống trong trận càn quét sắp tới. Tôi chợt nảy ra ý định phải quay trở lại tức khắc, bí mật giết chết bố mẹ thằng bé rồi bắt cóc nó đem về nuôi dạy theo phong tục của bộ lạc mình. Thế nhưng thú thật là tôi không thể làm như vậy vì thằng bé còn quá nhỏ, nó cần được chính bố mẹ nó nuôi nấng. Nghĩ như vậy, tôi quay trở lại túp lều, đi thẳng vào cửa trước. Bị bất ngờ, đôi vợ chồng trẻ kinh hoảng, nhưng tôi ra dấu trấn an họ ngay. Nhận thấy tôi không có ý gì đe dọa, họ đã vui vẻ mời tôi vào, ngồi bên bếp lửa. Người chồng chuẩn bị một tẩu thuốc, người vợ bưng xúp để mời khách, còn thằng bé thì mừng rỡ như nhận ra khuôn mặt quen thuộc của tôi. Và thế là nó lại lấy chiếc thìa gỗ xúc một ít xúp, phùng má thổi phù phù cho bớt nóng, rồi mới đưa vào tận miệng tôi. Tôi chậm rãi tiết lộ tông tích của mình và bảo họ: trước tiên vì sự hồn nhiên vô tư của thằng bé, kế đó vì lòng hiếu khách của anh chị, tôi sẽ không làm gì hại đến gia đình bé nhỏ này. Anh chị hãy mau mau lánh nạn đi ở chỗ khác. Không sớm thì muộn, bộ lạc chúng tôi cũng sẽ phát hiện nơi này, họ sẽ đến và chiến tranh hận thù sẽ xảy ra. Hình ảnh cuối cùng mà tôi còn giữ mãi, chính là hình ảnh thằng bé được mẹ địu trên lưng, tay vẫn múa may chiếc thìa gỗ và mỉm cười với tôi. Mùi tử khí trong tôi đã được thay thế bằng mùi xúp thơm phức mà thằng bé đã đưa tận miệng tôi. Tôi đã từ bỏ thói hung hăng hiếu chiến, lòng hận thù dai dẳng trong tôi cũng đã tắt ngấm. Càng có tuổi, tôi càng tin rằng tất cả chúng ta cần phải có một “đứa bé của hòa bình” như thế, mãi mãi ở giữa chúng ta”.
          Vâng, hôm nay trẻ thơ đang bị đánh cắp tuổi thơ. Bạo lực xảy ra khắp nơi. Ngay ở gia đình là nôi hạnh phúc, cũng trở thành bãi chiến trường của cha, của mẹ. Trẻ thơ đã sớm thấy cảnh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay của những người thân trong gia đình và nhất là trên truyền hình, thì lại càng đầy dẫy những cảnh bạo động với máu đổ lênh láng trên đường. Một thế giới đổ nát như thế làm sao dạy cho các em sống yêu thương và khao khát hoà bình? Đó chính là trách nhiệm của những người làm cha làm me, và các nhà giáo dục phải trả lời trước lương tâm của mình.
          Hôm nay, ngày tết của tuổi thơ, chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các em thiếu nhi trong giáo xứ biết gìn giữ nét đẹp tuổi thơ của mình bằng việc luôn sống đơn sơ ngoan hiền, luôn vâng lời cha mẹ và sống chân thật để được Chúa luôn yêu thương, và chúc lành.
Chúng ta cũng cầu xin cho mọi người trên thế giới biết sống hoà thuận với nhau, để cùng nhau kiến tạo nền hoà bình trên địa cầu này, nhất là các bậc cha mẹ luôn biết sống yêu thương và sẵn lòng tha thứ cho nhau để tuổi thơ được an vui sống trong vòng tay yêu thương của cha, của mẹ. Amen
Linh mục Joseph Tạ Duy Tuyền

LÀM CỚ SA NGÃ (30.9.2012 – Chúa nhật 26 Thường niên, Năm B)



LÀM CỚ SA NGÃ
Lời Chúa: Mc 9, 38-43.45.47-48
Hôm ấy, ông Gioan nói với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Ðức Giêsu bảo: “Ðừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.
Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.
Suy nim:
Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu.
Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông,
tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.
Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu,
khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng.
Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này:
“... thà buộc cối đá lớn vào cổ nó
mà ném xuống biển còn hơn”.
Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu.
Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin.
Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng.
Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu.
Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã.
Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan,
không biết hạn chế tự do của mình,
nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối.
Tôi có thể gây dịp tội khiến anh em tôi sa ngã,
nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi.
Ðức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt,
nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội.
Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen
(nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!)
Nhưng chúng ta lại không được coi thường
tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.
Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên
nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể
hầu cứu lấy sinh mạng của mình.
Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý
để giữ lại một điều quý hơn.
Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất,
người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân,
những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở.
Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta,
nhưng nay đã trở thành vật cản trở.
Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt.
Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau.
Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch
có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay.
Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau,
chúng ta sẽ được tự do thanh thoát.
Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác
thì cũng cần nhiều cuộc giải phẫu cho linh hồn.
Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ,
mà còn là thay thế:
thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc,
thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay.
Ðức Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn.
Ðể vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối.
Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời,
và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Ðối.

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Các thiên thần của Thiên Chúa (29.9.2012 – Thứ bảy. Các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabrien, Raphaen)



Các thiên thần của Thiên Chúa 
Lời Chúa: Ga 1, 47-51
Khi ấy, Ðức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Ðây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Ðức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!”  Ðức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
Suy nim:
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.
Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến,
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).
Ngài đã không tránh né cái chết
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời,
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).
Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời,
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian
nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại.
Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi,
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực,
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa,
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.
Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Anh em bảo Thầy là ai? (28.9.2012 – Thứ sáu Tuần 25 Thường niên)

Anh em bảo Thầy là ai? 
Lời Chúa: Lc 9, 18-22
Hôm ấy, Ðức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Ðám đông nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người bảo rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.”
Suy nim:
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).
Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?
“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.
Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Ông này là ai? (27.9.2012 – Thứ năm Tuần 25 Thường niên)

Ông này là ai?
Lời Chúa: Lc 9, 7-9
Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Ðó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Ðó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách thấy mặt Ðức Giêsu.
Suy nim:
Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.
Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).
“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.
“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Đừng mang gì (26.9.2012 – Thứ tư Tuần 25 Thường niên)

Đừng mang gì 
Lời Chúa: Lc 9, 1-6
Khi ấy, Ðức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Suy niệm:
Sau một thời gian sống bên Thầy Giêsu,
thấy việc Thầy làm và nghe lời Thầy giảng,
giờ đây nhóm Mười Hai đã tương đối cứng cáp
để được chia sẻ chính công việc Thầy đã làm.
Đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (c. 2).
Nhưng trước khi được chia sẻ công việc,
họ được chia sẻ quyền trừ quỷ và chữa bệnh của Thầy (c. 1).
Sứ vụ họ sắp làm là một thực tập cho sứ vụ lớn sau này (Lc 24, 46-47).
Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai lên đường với những chỉ thị rõ rệt.
Không thấy Thầy bảo phải chuẩn bị hành trang.
Ngược lại, Thầy cấm không được mang theo gì cả.
“Đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, hai áo” (c. 3).
Ngay cả những người giảng rong theo phái Khắc Kỷ,
tuy rất khắc khổ, nhưng cũng được mang theo gậy và bị để ăn xin.
Thầy Giêsu muốn môn đệ của mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa,
và hoàn toàn cậy trông vào lòng tốt của con người.
Họ phải tập chấp nhận sống bấp bênh và thiếu thốn trong bình an.
Không mang đồ dự trữ, không gậy để bảo vệ khi đi đường,
các môn đệ buộc phải mang theo lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa.
Thầy còn chỉ thị cho cả nhóm biết về chuyện ăn ở của họ.
Họ sẽ đến ở chung nhà với dân chúng, ăn uống những gì họ cho.
“Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó…” (c. 4).
Đừng đi từ nhà nọ sang nhà kia để tìm chỗ tiện nghi hơn.
Khi ăn ở nơi nhà dân, người tông đồ có cơ hội gần gũi với họ,
và chia sẻ cuộc sống thật của họ, để dễ loan báo Tin Mừng hơn.
Nhưng cũng phải bình an chấp nhận những từ khước (c. 5).
Có khi trong cả một thành, không tìm được một gia đình để trú chân.
Thái độ phủi bụi chân lại cho thấy một sự dứt khoát đoạn tuyệt,
không muốn dính dáng gì với những người ở đó nữa (x. Cv 13, 50).
Khuôn mặt của người được sai cách đây hai ngàn năm thật là đẹp.
Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật,
vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của người khác.
Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận:
cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất.
Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của con người,
với những lo âu rất đời thường trong một gia đình,
vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất.
Nhóm Mười Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của ác thần
đang tác oai tác quái trong đời nhiều người.
Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì?
Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21?
Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người hôm nay?

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Mẹ tôi và anh em tôi (25.9.2012 – Thứ ba Tuần 25 Thường niên)



Mẹ tôi và anh em tôi (25.9.2012 – Thứ ba Tuần 25 Thường niên)
Lời Chúa: Lc 8, 19-21
Khi ấy, mẹ và anh em Ðức Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Họ báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Suy nim:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành” (c. 21).
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ !
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.
Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,
nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.