Powered By Blogger

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Đức Giêsu về quê (1.5.2013 – Thứ tư - Thánh Giuse Thợ)


Đức Giêsu về quê 
Lời Chúa: Mt 13, 54-58
Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa sao? và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm vói chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Ðức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi” .Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
Suy nim:
Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,
có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.
Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nazareth dấu yêu với bao kỷ niệm.
Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.
Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.
Nazareth như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.
Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),
và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.
Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.
Đức Giêsu là một người thợ tại Nazareth, phục vụ cho nhu cầu dân làng.
Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.
Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.
Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.
Cũng tại Nazareth, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.
Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.
Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,
nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.
Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.
Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.
Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.
Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.
Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.
Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,
Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.
Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56).
Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.
Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.
Tiếc thay, dân làng Nazareth lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.
Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.
Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).
Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.
Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ?
Làm sao từ ngôi làng Nazareth vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được?
Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.
Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến
khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.
Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…?
Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.
Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.
Dân làng Nazareth đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.
Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,
để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Bình an cho anh em (30.4.2013 – Thứ ba Tuần 5 Mùa Phục sinh)


Bình an cho anh em 
Lời Chúa: Ga 14, 27-31a
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”
Suy nim:
Con người thời nay gần như có mọi sự.
Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng,
đó là bình an ở nơi tâm hồn.
Nhiều người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử.
Có người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc.
Gia đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị, ngoại tình.
Con người nôn nóng đi tìm bình an.
Có người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn giản là tập thở.
Bình an phải chăng chỉ là kết quả của cố gắng từ phía con người?
Tự sức con người có thể tạo ra bình an cho mình, gia đình và thế giới không?
Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi,
Đức Giêsu đã nói câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong mỗi Thánh lễ.
“Thầy để lại bình an cho anh em.
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (c. 27).
Bình an là quà tặng cao quý của Thầy Giêsu
khi Thầy sắp trở về với Cha qua cái chết thập giá (c. 28).
Bình an cũng là quà tặng của Chúa Giêsu phục sinh
khi Ngài hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa vì sợ hãi:
“Bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26).
Như thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái chết của Thầy.
Đời sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió,
nhưng là bình an giữa những sóng gió.
“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.
Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu.
“Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng
nhờ Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37).
Đức Giêsu nhìn nhận thế gian có khả năng ban cho chúng ta bình an.
Nhưng Ngài phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài.
Chúng ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự vững bền mong manh
của tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không?
Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong mỗi Thánh lễ
có thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta không?

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Yêu mến, đến và ở lại (29.4.2013 – Thứ hai Tuần 5 Mùa Phục sinh)


Yêu mến, đến và ở lại 
Lời Chúa:
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.
Suy nim:
“…Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.
Linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi gần chết được lên thiên đàng”.
Đó là phần cuối của một bài đồng dao quen thuộc cách đây mấy chục năm.
Bài hát này đi kèm với trò chơi thiên đàng hỏa ngục hai bên của trẻ nhỏ.
Thiên đàng là điểm đến tối hậu của đời người kitô hữu.
Nhưng mô tả thiên đàng lại là điều vượt sức con người.
Thánh Phaolô đã được nghe những lời khôn tả ở đó,
nhưng tiếc là ngài không được phép nói lại (2 Cr 12, 4).
Đức Giêsu đã dùng hình ảnh bữa tiệc để nói lên bầu khí thiên đàng,
nơi có niềm vui, hạnh phúc và sự hiệp thông
giữa Thiên Chúa và những người từ bốn phương thiên hạ (Mt 8, 11).
Nếu coi thiên đàng là nơi con người được hạnh phúc bên Thiên Chúa,
trong một tương quan tình yêu, diện đối diện và vĩnh viễn,
thì thiên đàng ấy đã chớm nở ngay từ đời này rồi.
Khi yêu Thầy Giêsu, người môn đệ sẽ được Thầy yêu lại.
Hơn nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến người ấy (c. 21).
Và điều con người không dám mong sẽ xảy ra sau Phục sinh :
“Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy và sẽ ở lại với người ấy” (c. 23).
Thiên đàng bắt đầu với sự trao đổi tình yêu qua lại
giữa người môn đệ với Cha và Con.
Nơi nào có Thiên Chúa cư ngụ, nơi đó là thiên đàng.
Khi Cha và Con đến dựng nhà nơi người môn đệ trung tín,
tâm hồn người ấy trở thành thiên đàng.
Hạnh phúc đã được nếm cảm trong giây phút hiện tại rồi
trước khi được hưởng trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.
Nhưng không phải chỉ có sự hiện diện của Cha và Con,
Người môn đệ còn có Thánh Thần ở với và ở trong mình (Ga 14, 16-17).
Như Cha đã sai Con, nay Cha lại sai Thánh Thần (c. 26).
Thánh Thần sẽ là thầy dạy và là người gợi cho các môn đệ
nhớ lại và hiểu thấu những gì Đức Giêsu đã làm (x. Ga 2, 22; 12,16).
Vậy nơi tâm hồn người môn đệ, có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Một thiên đàng nho nhỏ ngay ở đời này!
Muốn cho thiên đàng ấy tồn tại,
cần giữ các điều răn của Thầy Giêsu với rất nhiều tình yêu.
Hãy yêu bằng hành động hơn là bằng cảm xúc.
và để cho tình yêu Giêsu chi phối mọi chi tiết của đời ta.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

ĐIỀU RĂN MỚI (28.4.2013 – Chúa nhật 5 Phục sinh, Năm C)


ĐIỀU RĂN MỚI 
Lời Chúa
Khi Giuđa ra khỏi phòng Tiệc Ly, Ðức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người, Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.”
Suy nim:
Gandhi được coi là bậc đại thánh của dân Ấn Ðộ.
Ông say mê Kinh Thánh, nhất là bài giảng trên núi.
Ông nghĩ rằng Kitô giáo sẽ là câu trả lời thích đáng
cho những xung đột giữa các giai cấp ở Ấn.
Một ngày nọ ông đến dự lễ tại một nhà thờ.
Nhưng người giữ cửa ngăn ông lại, và bảo ông
nên đến dự lễ ở một nhà thờ khác dành cho người da đen.
Ông đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.
Có thể chúng ta đã mất một Kitô hữu tốt như Gandhi
chỉ vì có sự phân biệt màu da nơi nhà thờ.
Biết đâu thế giới này lại chẳng có nhiều Gandhi,
họ sống tinh thần Ðức Kitô còn hơn cả các Kitô hữu.
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới:
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Lời trăn trối của Ðức Giêsu vẫn làm chúng ta nhức nhối.
Ở đây Ngài không nhắc chúng ta yêu thương người ngoài,
nhưng Ngài đòi buộc các môn đệ Ngài yêu thương nhau.
Yêu thương nhau trở thành điều răn mới,
mới vì Ngài đòi họ phải yêu nhau như Ngài đã yêu họ.
Vấn đề cốt lõi là cảm nhận được tình yêu của Ngài.
Trước khi công bố điều răn mới này,
Ðức Giêsu đã rửa chân cho môn đệ, trong đó có Giuđa.
Ngài cúi xuống bên chân Giuđa để bày tỏ một tình yêu.
Sau đó Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa
như đưa ra một vẫy gọi thân thương cuối cùng. (x. Ga 13,26)
Nhưng vô ích, Giuđa không đổi ý.
Anh vẫn ra đi để làm điều mình muốn (x. Ga 13,31)
Ðức Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình.
Ngài sẽ yêu đến cùng bằng việc hiến mạng trên thập giá.
Ðức Giêsu đã yêu trước khi truyền cho ta yêu nhau.
Nếu ta không cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho ta,
thì ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn.
Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu:
đeo thánh giá nơi cổ, làm dấu thánh giá trước khi ăn...
Nhưng theo Ðức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của nhóm môn đệ
là tình yêu thương mà họ dành cho nhau:
cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại...
Giữa các môn đệ, có bao dị biệt, bao hàng rào.
Nếu không vượt qua được những hàng rào dị biệt này
thì coi như việc truyền giáo bị đổ vỡ.
Tiếc thay, vẫn chưa có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu
khác màu da, khác văn hoá, khác quan điểm chính trị...
Có bất đồng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở Nga,
giữa người Công Giáo và người Tin Lành ở Bắc Ailen.
Ðến bao giờ mọi Kitô hữu có thể đọc chung kinh Lạy Cha,
mừng chung với nhau lễ Phục Sinh trong một ngày,
cử hành chung với nhau một phụng vụ.
Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu.
Ước gì thế giới Kitô trở thành một ốc đảo xanh tươi
mời mọi người đặt chân tới.

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Làm những việc lớn hơn nữa (27.4.2013 – Thứ bảy Tuần 4 Mùa Phục sinh)


Làm những việc lớn hơn nữa 
Lời Chúa: Ga 14, 7-14
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”
Suy nim:
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do thái,
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài :
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay
là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).