Powered By Blogger

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Thứ Bảy sau Chúa nhật II Mùa Chay 16/02/2013



Tin Mừng                                Lc 15,1-3.11-32

Khi ấy, tất cả các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :
11 "Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : 'Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.' Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : 'Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.' 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
"Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng : 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...' 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.' Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời : 'Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.' 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha : 'Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !'
31 "Nhưng người cha nói với anh ta : 'Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.'"

SUY NIỆM

1- Sứ điệp nguyên thủy :
 (1) Bao dung và tha thứ là những tên gọi khác của Tình yêu đích thực. Thật vậy, người ta chỉ có thể bao dung và tha thứ cho một ai đó khi người ta yêu kẻ đó vì người đó (tình yêu vô vị lợi của ngươi cha trong dụ ngôn với đứa con hoang đàng) chứ không phải vì những cái kẻ đó có hay điều mà kẻ đó là (tình yêu vụ lợi của người con cả đối với người cha) (Lc 15, 24-32; Mk 7, 18-20)…
 (2) Như vậy, bao dung và tha thứ là biểu hiện của tình yêu nhưng không, vô vị lợi, vô điều kiện và vô biên giới, những đặc tính của tình yêu Thiên Chúa (Lc 15, 22-24; Mk 7, 18-20)…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
 (1) Cho một thế giới chỉ biết tính toán, trục lợi cho riêng mình, việc rao báo Tin mừng và chứng tá về một thứ tình yêu nhưng không, vô vị lợi, vô điều kiện và vô biên giới cần thiết biết bao nhiêu !
 (2) Để có thể có được một tình yêu như thế, người ta cần phải có trước tiên là ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến là những nỗ lực cá nhân phải đi ra khỏi chính bản thân mình từng ngày : và Mùa Chay chính là thời gian luyện tập để sống tình yêu đó…

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Thứ Sáu sau Chúa nhật II Mùa Chay (16/02/2013)




 
Tin Mừng                                Mt 21,33-43.45-46
33 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và các kỳ mục trong dân rằng : Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác : "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho ; chung quanh vườn, ông rào giậu ; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông : chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước : nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng : "Chúng sẽ nể con ta." 38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau : "Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó !" 39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. 40 Vậy xin hỏi : Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?" 41 Họ đáp : "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông." 42 Đức Giê-su bảo họ : "Kinh Thánh có câu : ‘ Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ông chưa bao giờ đọc câu ấy sao ?”
43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay : Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.
45 Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ. 46 Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.

SUY NIỆM

1- Sứ điệp nguyên thủy :
 (1) Ích kỷ, tham lam, kiêu căng thường đẻ ra ghen tương, đố kỵ và khiến con người mù quáng không nhìn ra tha nhân là anh em của mình (St 37, 3-28), không nhìn ra mình là ai và tha nhân là ai (Mt 21, 33-46)…
 (2) Thậm chi, còn dẫn đến chỗ tìm cách tiêu diệt tha nhân để chiếm đoạt tài sản, địa vị và quyền lực (Mt 21, 35-39; St 37, 18-20)…
 2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
 (1) Cho một thế giới tự mãn, kiêu căng, tự cao, tự đại vẫn muốn tranh giành quyền lực với nhau, thậm chí cả với chính Thiên Chúa (Mt 21, 37-39) : chỉ Đức Giêsu-Kitô mới mặc khải được cho con người biết mình là ai, tha nhân là ai và Thiên Chúa là Ai…Và, ở nơi Thập giá của Đức Giêsu-Kitô, con người và Thiên Chúa đã giải hòa được với nhau cách tuyệt đối, và trở thành nguồn cội của tất cả mọi hành vi giao hòa khác, giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau (Mt 21, 42-43)…
 (2) Vì thế, chỉ có lối sống khiêm tốn, bác ái, hy sinh, tuyệt đối tin yêu và phó thác ở nơi Thiên Chúa mới là liều thuốc chữa hiệu nghiệm cho thế giới đang ngày càng bị tục hóa nầy (Mt 21, 43)…

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Thứ Năm sau Chúa nhật II Mùa Chay



Tin Mừng                                Lc 16,19-31

19 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây : "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên : 'Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát ; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !' 25 Ông Áp-ra-ham đáp : 'Con ơi, hãy nhớ lại : suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi ; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.'
27 "Ông nhà giàu nói : 'Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này !' 29 Ông Áp-ra-ham đáp : 'Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.' 30 Ông nhà giàu nói : 'Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.' 31 Ông Áp-ra-ham đáp : 'Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.'
SUY NIỆM:
Có một đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh, hằng ngày đi học, cậu thường bị chúng bạn chế nhạo, bắt nạt, đó là điều khiến cậu trở nên lạnh lùng và khép kín. Một hôm cha cậu nhặt được một con chó sắp chết rét từ trong đống tuyết… con chó được đặt nằm xuống gần chân cậu bé, nó run cầm cập. Cậu bé không thích con chó dơ dáy này, cậu dùng chiếc nạng của mình đuổi nó đi, nó không biết đi đâu, nên nằm ngoài cửa kêu ăng ẳng thảm thiết.
Cha cậu nghe tiếng chó kêu thì biết chuyện. Vì thế, ông đến phòng để trò chuyện với cậu bé. Khi nghe cậu bé kể ở trường cậu thường bị bạn bè bắt nạt, ông nói: “Tại sao những đứa trẻ ấy lại bắt nạt con?”. Cậu bé nói: “Bởi vì chân con có tật, con không thể chơi lại chúng nên chúng mới bắt nạt con”. Người cha lúc đó mới ôn tồn nói: “Chúng khỏe mạnh, còn con yếu, cho nên chúng bắt nạt con. Còn bây giờ thì con rất mạnh, con chó lại rất yếu, vậy tại sao con lại không biết thương cảm nó?”. Nghe xong, cậu bé ngân ngấn nước mắt, một lúc sau cậu ẵm con chó vào đặt cạnh lò sưởi và vuốt ve nó… Sau này cậu bé trở thành vị bác sĩ nổi tiếng nhân hậu, được mọi người yêu thương và kính trọng.
Câu chuyện cho thấy người cha ở đây đã thật khéo léo để biết cách dạy con mình trở thành người biết yêu thương và nhờ đó người con đã thành nhân và được mọi người quí mến.
Quả thực tình yêu thương, lòng trắc ẩn là những đức tính làm cho chúng ta trở thành con người đúng nghĩa. Khi tâm hồn thiếu vắng tình yêu thì phải thấy rằng chúng ta đang tụt hậu. Còn ai biết sống yêu thương thì lại là những người đang cùng nhau tiến nhanh trên hành trình của ơn cứu độ. Đây chính là những người mà Chúa Giêsu nói đến trong bài giảng trên núi : “Phúc thay ai có lòng thương xót vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, sở dĩ người phú hộ không được vào Nước Trời, vì ông đã không tỏ lòng thương xót đối với Ladarô, cho dù đó chỉ là một chút nhỏ nhoi dành cho con người khốn khổ ngày ngày lê lết ăn mày trước cổng nhà ông.
Người phú hộ phải “chịu cực hình” không phải vì ông còn nhiều của cải, nhưng vì ông đã không biết “sử dụng của cải mà mua lấy bạn hữu Nước Trời”, mà bạn hữu ở đây không ai khác là chính Lazarô nghèo khó mà ông gặp hang ngày. Thực sự, tiêu chuẩn để vào Nước Trời không phải ở chỗ giàu hay nghèo, nhưng hệ tại nơi việc sống bác ái với anh chị em.
Tội của người phú hộ chính là tội vô tâm, làm ngơ, phớt lờ, không nhìn, không nghe, không thấy người nghèo, Ladarô đang van xin cứu giúp trong cơn đói khổ. Tội của người phú hộ chính là tội thiếu sót, tội đã không làm những gì lẽ ra mình phải làm cho người đang cần mình trợ giúp. Sẽ có một ngày tất cả chúng ta bước vào một thế giới mà giấy thông hành không phải là tiền của nhưng chính là tình yêu. Chỉ có những ai yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em mới được bước vào.
Thánh Augustinô có lần đã nói rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn mày đang cần đến hồng ân Thiên Chúa: “Anh em giàu có với những của cải tạm bợ, nhưng anh em cần những thứ vĩnh cửu. Điều mà anh em làm với những ai khẩn cầu anh em thì Thiên Chúa cũng sẽ thực hiện như thế với anh em... Hãy đong đầy cho những người anh em đang túng thiếu, để sự túng thiếu của anh em cũng được đong đầy”.
Là những người cần đến lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa, những người cầu nguyện với đôi bàn tay mở ra như những cái bát của người ăn mày, tôi và bạn đến lượt mình, ta phải cố gắng sống nhân từ, quảng đại và thương xót những người khác, bởi vì mức độ ta cho sẽ trở thành mức độ mà ta nhận.
Có một bạn sinh viên đã tâm sự trên Tuổi Trẻ Online như sau:
Dưới cái nắng của buổi trưa tháng 3, tôi đang vội vã đi bộ từ trường Đại học Nhân văn ra Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia. Trên đường, một cô bé chừng 16-17 tuổi kéo tôi lại với bịch tăm tre nhỏ xíu và nói: “Đây là sản phẩm của các em khuyết tật trường Chu Văn An, mời chị mua ủng hộ”. Chẳng cần suy nghĩ, tôi khoát tay từ chối và vội bước đi, tự nhủ: “Mình lạ gì mấy trò này nữa, chủ yếu là xin tiền chứ mua bán gì”. Tôi đã không ít lần bị lừa ở phòng trọ, cũng như được bạn bè cảnh báo về mấy người “giả mạo” này. Nhưng đi rồi, tôi vẫn cố ngoái lại nhìn xem cô bé đó còn ở đó không? Nắng giữa trưa, tôi bịt hai lớp khăn che mặt vẫn còn thấy rát, vậy mà cô bé tiếp tục đứng đầu trần và mời một bạn sinh viên khác và người ấy đã mua. Tôi thấy mình xấu hổ. Tôi nhớ thầy tôi từng nói: “Biết có thể bị lừa vì những người giả bộ bị móc túi, lỡ đường để xin tiền nhưng thầy vẫn cho. Biết đâu gặp người cần giúp đỡ, có vậy lòng mình mới thanh thản…”. Tôi định quay lại mua cho cô bé bịch tăm nhưng lại ngại, đành tiếp tục đi, lòng suy nghĩ bứt rứt. Chắc cô bé là học sinh tình nguyện hay đang là tình nguyện viên cho mái trường ấy. Vậy mà tôi…
Tâm trạng của người bạn trẻ này chắc cũng phản ánh thái độ vô cảm mà chúng ta đôi khi vướng phải trong cuộc đời, khi chúng ta dửng dưng trước những con người đáng thương. Đó cũng là thực trạng nơi trái tim chai cứng của nhân loại thời nay trước những đau khổ của đồng loại quanh mình. Suy nghĩ của bạn sinh viên một lần nữa lại gợi lên trong chúng ta hình ảnh của Tin mừng Lc 16, 19-31: Người phú hộ giàu có, ngày ngày yến tiệc linh đình, cao lương mỹ vị, nhưng ngay bên lại tồn tại một anh Lazarô nghèo nàn chết trong đói khổ, không được trợ giúp.
Ở đây cho thấy, không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với anh em. Khi mắt ta không để ý sự đau khổtâm hồn ta không chút xót thương đến những người phận nhỏ, lòng trắc ẩn không hề rung động trước bi thương của anh em đồng loại sẽ tạo nên hố ngăn cách sâu thẳm giữa ta với tha nhân và với nguồn tình yêu là chính Thiên Chúa. Và như cành nho không gắn liền với thân nho, nó sẽ bị khô héo mà chết đi, mất đi sự sống thần linh, sự sống viên mãn.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy cho chúng con biết số phận con người sẽ được hạnh phúc viên mãn hay bị luận phạt muôn đời tùy theo chúng con có biết yêu thương tha nhân hay không. Xin Chúa dắt chúng con luôn đi trên con đường dẫn tới ơn cứu độ: Biết nghe lời hướng dẫn của Môisê, các ngôn sứ, đặc biệt là Lời Chúa để sám hối, hoán cải và yêu thương mọi người nhất là những anh chị em nghèo khổ. Vì chúng con biết Thiên Đàng không dành riêng cho một mình con. Nhưng con chỉ có thể tiến vào cùng với anh chị em trong tình yêu thương –Amen

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

"UỐNG CHÉN THẦY SẮP UỐNG" Thứ Tư sau Chúa nhật II Mùa Chay 16/02/2013




Tin Mừng                                Mt 20,17-28

17 Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông : 18 "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, 19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy."
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo ; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21 Người hỏi bà : "Bà muốn gì ?" Bà thưa : "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." 22 Đức Giê-su bảo : "Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?" Họ đáp : "Thưa uống nổi." 23 Đức Giê-su bảo : "Chén của Thầy, các người sẽ uống ; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được."
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : "Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26 Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."

Suy niệm: Đã ba lần Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn của Chúa, thế mà các tông đồ vẫn nhìn Nước Trời như một vương triều trần thế. Không phải ngẫu nhiên mà hai tông đồ này xin chỗ ngồi danh dự hai bên tả hữu của Chúa Giê-su. Giữa các môn đệ có một chiến tranh lạnh ngấm ngầm xuất phát từ quan niệm công thần đã ngự trị trong tâm tư họ từ lâu: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con được gì bù lại?” (Mc 10,28): họ khao khát quyền lợi, quyền lực. Chúa Giêsu đã khó khăn lắm mới đổi được não trạng của các tông đồ: Họ muốn được chung phần với Ngài trong vinh quang, điều đó cũng tốt thôi nếu đó là ý muốn của Chúa Cha; nhưng liệu họ có dám dự phần với Ngài trong đau khổ, trong chén đắng, trong cái chết gần kề của Ngài không?

Mời Bạn: Bạn sẽ trả lời thế nào nếu Chúa hỏi bạn câu hỏi đó? Bạn có tâm tình nào khi phục vụ giáo xứ, phục vụ anh chi em? Bạn dám chấp nhận quên mình, không tìm tiếng khen, hay chút lợi lộc. Sống đạo, bạn không chờ đợi được một chỗ ngồi cao, nhưng mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa.

Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh, kết hợp với Chúa Giêsu chịu khổ nạn trên Thánh Giá để xin ơn hoán cải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con can đảm, dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn, nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người theo gương khiêm hạ của Chúa, và theo Chúa trên con đường thánh giá Chúa đã đi qua.

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Thứ Ba sau Chúa nhật II Mùa Chay 16/02/2013 |



Tin Mừng                                Mt 23,1-12

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.  12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Suy niệm:
“Họ nói mà không làm!” “họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác còn chính họ thì không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Họ là ai?
Tin Mừng ghi lại: “họ” là những kinh sư và pharisiêu, là những kẻ nói hay nhất nhưng thực hành thì lại tồi tệ nhất, bởi vì họ quen sống trong cái vỏ bọc: áo quần thì xúng xính, ưa danh dự, thích làm kẻ đứng đầu và luôn cho rằng mình là người quan trọng. Cái vỏ bọc bên ngoài ấy chóng qua, mau hư nhất không nói lên được giá trị gì hết, “chiếc dòng không làm nên thầy tu” nhưng họ lại cho rằng: với vỏ bọc ấy, họ là người sống luật tốt nhất.
Mải mê với cái vỏ bọc hào nhoáng, choáng ngợp trong ánh hào quang vay mượn bên ngoài, các kinh sư và pharisiêu đã hiểu sai về giá trị của luật. Họ nghĩ rằng họ là người quan trọng nhất, nhưng trước mặt Thiên Chúa họ chỉ là con số không. Họ nghĩ rằng mình giỏi nhất nhưng họ lại là người dốt nhất. Họ nghĩ rằng mình hiểu biết hết, nhưng thực ra họ chẳng hiểu điều gì bởi vì tất cả điều họ làm “cốt để cho thiên hạ thấy”. Mt 23,5a
Ngày hôm nay cũng có biết bao người đang dương dương tự đắc khi được khoác lên người cái vỏ bọc đạo đức. Bao nhiêu người lầm tưởng rằng: chỉ những ai siêng năng đi lễ mới là con của Chúa Trời. Họ quên rằng: Con cái đích thực của Thiên Chúa không phải chỉ là vẻ bên ngoài nhưng còn là một đời sống nội tâm, phải biết nhận ra con người thật của mình để sống chân thành và khiêm tốn.
Xin cho mỗi chúng con luôn biết trở về với chính con người thật của mình để biết sống khiêm nhường trước nhan Chúa và biết sống chân thành qua thái độ cư xử với tha nhân. Xin cho chúng con bíêt cúi xuống giúp đỡ những anh chị em cần đến con, biết nhìn nhận con người mình cũng đầy những lỗi lầm yếu đuối để con đừng bao giờ phê phán hay chỉ trích anh chị em mình.


Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Thứ Hai sau Chúa nhật II Mùa Chay



Tin Mừng                                Lc 6,36-38

 Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.  Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.  Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
SUY NIỆM
1- Sứ điệp nguyên thủy :
 (1) Trung tín, thủy chung, tha thứ và không xét đoán tha nhân là những tên gọi khác của Tình yêu (Đn 9, 4b-10; Lc 6, 36-38)…
 (2) Bất trung, tội lỗi mà lại ưa thích đóng vai trò thẩm phán đối với tha nhân là nguồn cội của những nỗi cô đơn, muộn phiền, bất mãn với chính mình, khổ đau và sự xa lánh của tha nhân (Đn 9, 7-8)…
 (3) Khi người ta xét đoán và không tha thứ cho tha nhân, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người ta xét đoán và không tha thứ cho chính Thiên Chúa; và ngược lại (Lc 6, 36-38)…
 2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
 (1) Cho một thế giới ngày càng ít trung tín và càng ít bao dung vì chủ nghĩa cá nhân ích kỷ : đặc biệt, trong đời sống dâng hiến cũng như trong đời sống hôn nhân vợ chồng…
 (2) Có lẽ chẳng có mấy ai lại không muốn được người khác (và cả Thiên Chúa) bao dung, tha thứ và không xét đoán : cách thức đơn giản và không mấy khó khăn đó là chính mỗi người cũng phải bao dung, tha thứ và đừng xét đoán tha nhân…

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

KHUÔN MẶT NGÀI BIẾN ĐỔI (24.2.2013 - Chúa nhật 2 mùa Chay, Năm C)


KHUÔN MẶT NGÀI BIẾN ĐỔI 
Lời Chúa: Lc 9, 28b-36
Hôm ấy, Ðức Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Ðang khi Người cầu nguyện, thì khuôn mặt Người biến đổi, y phục Người nên trắng ngời như chớp sáng. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Ðức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. Ðang lúc hai vị này rời xa Ðức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Môsê, và một cái cho ông Êlia.” Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Ðức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
Suy nim:
Khuôn mặt phản ánh đời sống nội tâm của con người.
Ai cũng muốn mình có khuôn mặt dễ mến.
Người ta bỏ ra nhiều tiền để sửa sang lại khuôn mặt,
vì họ muốn người khác đổi cái nhìn về họ.
Bài Tin Mừng hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm
khuôn mặt ngời sáng của Chúa Giêsu trên núi cao.
Chỉ mình thánh Luca nói rõ chi tiết này:
“Ðang khi Người cầu nguyện, thì khuôn mặt Người biến đổi”.
Gần đèn thì sáng.
Gặp gỡ Thiên Chúa làm biến đổi nội tâm con người,
thậm chí làm biến đổi thân xác, biến đổi khuôn mặt,
và cả những gì con người sử dụng cũng bừng tỏa:
“y phục Người nên trắng ngời như chớp sáng”.
Trong mùa Chay, chúng ta muốn biến đổi cuộc sống mình,
chúng ta muốn mang bộ mặt mới.
Chúng ta đã làm nhiều điều, trừ một điều quan trọng,
đó là lên núi cao để gặp gỡ Thiên Chúa.
Núi cao ở ngay trong sâu thẳm lòng ta,
nơi đây ta gặp gỡ Người, diện đối diện.
Mọi biến đổi nơi cá nhân cũng như tập thể,
nơi gia đình, giáo xứ, dòng tu và cả Giáo Hội
đều phải khởi đi từ việc tiếp xúc với Thiên Chúa.
Chúng ta dễ lãng quên việc gặp Chúa mỗi ngày,
lấy cớ mình bận làm những việc của Chúa.
Thế giới hôm nay đói những người cầu nguyện,
và thừa ứ những người lăng xăng...
Ba môn đệ thân tín cũng đâu có cầu nguyện.
Họ ngủ li bì.
Sau này ở núi Cây Dầu, họ cũng say ngủ.
Thế nên họ chẳng biến đổi gì.
Dù họ chợt tỉnh và thấy khuôn mặt ngời sáng của Chúa,
điều đó chỉ đem lại cho họ chút hưng phấn chóng qua,
nhưng không cho họ sức để trung thành theo Chúa.
Họ mơ ước dựng lều ở ngọn núi thánh này,
vì họ thích ngắm khuôn mặt rực sáng của Ðức Giêsu.
Nhưng họ không có can đảm ở lại Núi Sọ,
để chiêm ngưỡng khuôn mặt đầy thương tích của Thầy.
“Hãy vâng nghe lời Người”:
một lời nhắc nhở hiếm hoi của Chúa Cha dành cho ta.
Bạn có nghe thấy lời nào của Ðức Giêsu
vang vọng nơi lòng bạn trong mùa Chay không?

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Yêu kẻ thù (23.2.2013 - Thứ bảy Tuần 1 mùa Chay)

Yêu kẻ thù
Lời Chúa: Mt 5, 43-48
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.”
Suy nim:
“Tại sao anh lại bắn tôi khi cả hai chúng ta đều tin
vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất.”
Đó là một câu trong lá thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô định gửi
cho anh Ali Agca, người đã ám sát ngài vào ngày 13-5-1981 tại Rôma.
Nhưng ngài đã đích thân thăm anh trong tù năm 1983, và đã tha thứ cho anh.
Vào Đại Năm Thánh 2000, ngài đã xin Tổng Thống Ý cho anh được ân xá.
Điều đáng nói là anh đã chẳng bao giờ công khai xin ngài tha lỗi.
“Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (c.43).
Thật ra Luật Môsê không dạy ghét kẻ thù,
nhưng ghét kẻ thù của Thiên Chúa là chuyện có trong các thánh vịnh.
“Lạy Chúa kẻ ghét Ngài làm sao con không ghét?...
Con ghét chúng, ghét cay ghét đắng,
chúng trở thành thù địch của chính con” (Tv 139, 21-22).
Đức Giêsu dạy các môn đệ yêu kẻ thù (c. 44),
Nhưng vào sau năm 70, kẻ thù của các môn đệ là ai?
Là quân xâm lược Rôma, là thế giới dân ngoại đang bắt đạo (Mt 10, 22).
Là những người đồng bào thuộc hội đường đang ngược đãi các Kitô hữu.
Là những ai không phải là anh em, nghĩa là những ai không tin Đức Giêsu.
Đức Giêsu mời ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên là chỉ yêu kẻ yêu mình.
Tình yêu Kitô vươn đến cả những kẻ ghét và làm hại mình nữa.
Hãy yêu kẻ thù, nhưng yêu lại không phải là một tình cảm tự nhiên.
Yêu là một thái độ của lòng nhân được diễn tả bằng những hành động cụ thể.
Yêu là cầu nguyện cho kẻ bách hại, là chào hỏi và chúc bình an cho họ.
“Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”,
Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố như thế sau khi hồi phục.
Yêu kẻ thù làm chúng ta được ơn trở nên con cái Cha trên trời (c. 45),
trở nên giống Cha là Đấng ban mặt trời và mưa cho kẻ bất chính.
Trở nên con cái Cha là tiến trình dài một đời,
xuyên qua những hành vi yêu thương vượt trên tự nhiên.
Cha yêu mọi người chẳng trừ ai bằng một tình yêu vô điều kiện.
Chúng ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha
nhờ yêu kẻ thù như Cha đã yêu họ (c. 48).
Kẻ thù cũng là anh em tôi, vì họ cũng là con được Cha yêu như tôi.
Chúng ta nên nghĩ đến những kẻ thù của mình, ở rất gần mình,
những người mình không muốn chào hỏi hay nhìn mặt, chỉ muốn nguyền rủa.
Tôi sẽ làm gì để bày tỏ tình yêu tha thứ đối với họ trong Mùa Chay này?